A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên họp trực tiếp của Kỳ họp thứ 2

Ngày 8/11, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV bước vào đợt họp tập trung kéo dài 6 ngày (8-13/11). Trong đó, 2 ngày đầu tiên được dành để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng tham dự phiên họp.

Sau đợt họp trực tuyến (từ 20-30/10) diễn ra thuận lợi, hoàn thành nhiều nội dung chương trình đề ra, bắt đầu từ sáng nay (8/11), Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Hà Nội. Hầu hết nội dung làm việc của Quốc hội lần này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng tham dự phiên họp.

Theo đó, Quốc hội dành 2 ngày, bắt đầu từ sáng nay, để thảo luận hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp.

Trong các ngày 10, 11 và sáng 12/11 (thứ Bảy), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 4 thành viên Chính phủ đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ngoài ra, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, trưởng ngành khác cũng tham gia “chia lửa” về những vấn đề liên quan.

Ngoài hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua 12 nghị quyết quan trọng – những nội dung đã được thảo luận, tiếp thu giải trình trong đợt họp trực tuyến vừa qua.

Cụ thể là các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tổ chức phiên tòa trực tuyến; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên khai mạc trong đợt họp trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, song do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư, riêng quý III giảm 6,17%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 1,42%.

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế.

Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở.

Chính phủ xác định mục tiêu đề ra cho năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Bên cạnh đó là việc tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.


Tác giả: An Châu

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website