Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Hành trình về nguồn - Tân Trào, Tuyên Quang lịch sử
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, những người con ngành Công Thương Việt Nam không khỏi bồi hồi, xúc động khi hướng tới Ngày truyền thống. Ngày 14/5 cách đây tròn 72 năm là dấu mốc quan trọng, mở đầu trang sử hào hùng của ngành Công Thương Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 – 14/5/2023), với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 11/5/2023, Công đoàn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) do đồng chí Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn làm Trưởng Đoàn, tổ chức chương trình “về nguồn” thăm Khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, Khu di tích lịch sử Tân Trào và một số địa danh lịch sử tại Tuyên Quang.
72 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, ngành Công Thương đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn công tác chụp ảnh tại Bia tưởng niệm của Khu di tích lịch sử Bộ Công Thương
Tại bia đá tưởng niệm của Khu di tích viết rằng, ngày 14/5/1951, theo Sắc lệnh số 21/SL, Bộ Kinh tế đổi tên thành Bộ Công Thương. Cơ quan Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Don, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại nơi đây, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bộ Công Thương đã tiếp tục bổ sung điều chỉnh các chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp trong giai đoạn mới của công cuộc kháng chiến, ra sức phục vụ sản xuất nông ngiệp và tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thực hiện chính sách “tự do nội thương, quản lý ngoại thương”… Cũng tại nơi đây, đầu tháng 3/1952, cán bộ nhân viên Bộ Công Thương rất vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, ân cần chỉ bảo động viên.
Những dòng chữ ấy toát lên sự tự hào của biết bao thế hệ công chức, viên chức, người lao động Công Thương.
Đoàn viên Công đoàn Cục TMĐT và KTS dọn dẹp tại Khu di tích lịch sử Bộ
Giữa không gian trang nghiêm, tĩnh lặng và yên bình tại Khu di tích, những người con TMĐT và KTS thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ sự tri ân với thế hệ cha ông – những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc và đặt nền móng xây dựng ngành Công Thương có được như ngày hôm nay.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Cục TMĐT và KTS đã đến thăm một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Nưa
Lán Nà Nưa là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 1972, để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, Lán Nà Nưa đã được phục dựng lại tại chính địa điểm căn lán cũ, thuộc xã Minh Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. 79 bậc đá bước lên Lán Nà Nưa được tượng trưng cho 79 mùa xuân, Bác đã dành trọn cho non sông, đất nước.
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm tại Lán Nà Nưa
Giữa đất trời, núi rừng Tuyên Quang, qua giọng kể truyền cảm của người con Tuyên Quang, những câu chuyện lịch sử gắn với Lán Nà Nưa khiến các đoàn viên Cục TMĐT và KTS thực sự xúc động. Bác đã ở Lán Nà Nưa trong khoảng 3 tháng, từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Thời gian đó, có những lúc trải qua trận ốm sinh tử, thế nhưng, nhờ nghị lực phi thường và sự bao bọc, thương yêu của người dân, Bác đã gắng gượng vượt qua và có những quyết sách quan trọng để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 dành chính quyền.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Cây đa Tân Trào
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước và con người Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Quốc dân Đại hội Tân Trào (họp tại Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 16/8/1945) là mốc son chói lọi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Chính tại Đình Tân Trào, trước Quốc dân Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời thế quyết tâm dành dộc lập dân tộc.
Đoàn công tác dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ
Đến với Tuyên Quang, khó có thể bỏ qua ngôi đền mái ngói đỏ tươi, uy nghi tọa lạc ngay tại vị trí trung tâm thành phố. Đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Cục trưởng – Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Thị Minh Huyền ghi những dòng chữ lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại chân núi Thổ Sơn gắn kết với nhóm Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Chính tại khu vực Quảng trường này, năm 1961, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Đền thờ là công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu.
Tại Đền thờ Bác, Đoàn công tác của Cục TMĐT và KTS đã dâng hương trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ước nguyện tiếp tục học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phát triển trí tuệ và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương.
Hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương Việt Nam, người con TMĐT và KTS hướng về cội nguồn, thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” để tri ân các thế hệ đi trước, trân quý hiện tại và hướng đến tương lai. Khép lại một ngày với chuyến đi “về nguồn” đầy ý nghĩa, những người con TMĐT và KTS cảm thấy xúc động và tự hào được hoà cùng dòng chảy lịch sử phát triển ngành Công Thương, từ đó, phấn đấu hết mình góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, vươn xa.