Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Tiền Giang: Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại địa phương
Ngày 10/7, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Tiền Giang nhằm đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và tình hình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tham dự Đoàn công tác có đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ gồm: các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước; các Cục: Công nghiệp, Xuất nhập khẩu, Công Thương địa phương, Điện lực và Năng lượng tái tạo; Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, Báo Công Thương... Về phía tỉnh Tiền Giang có ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các sở, ban ngành tham dự.
Trước buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ và Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã đến thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Godaco Seafood) tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và đã kịp thời có chỉ đạo cụ thể để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, sau khi nghe báo cáo của tỉnh, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, EVN và các Sở, ngành của tỉnh đã thảo luận, đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và tình hình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, triển khai các nhà máy điện gió, điện rác, điện mặt trời mái nhà, xây dựng các trạm sạc điện ở khu vực xăng dầu, an toàn thực phẩm, quản lý cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh xăng dầu, quản lý thị trường…
Qua báo cáo, các ý kiến thảo luận và khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thời gian qua, cấp ủy chính quyền tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp; trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả tích cực, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bộ trưởng nhận định, Tiền Giang có vị trí địa kinh tế thuận lợi, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (như vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá và những giá trị văn hóa của vùng sông nước); là địa bàn trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và thương mại, được xem là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng chúc mừng những kết quả mà tỉnh Tiền Giang đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng cho rằng tình hình phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, trong đó lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn khó khăn; bên cạnh đó, quy mô và chất lượng ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (như CN chế biến lương thực, thực phẩm) còn phân tán; chưa hình thành các trung tâm công nghiệp chế biến lớn; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; nông sản chủ yếu vẫn là xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, chưa chế biến sâu; xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ trọng chưa lớn…
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang quan tâm chỉ đạo một số các nội dung trọng tâm.
Trước hết, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KT-XH năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024, như: Giảm 2% thuế VAT; Luật Giá; các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất... ; Đồng thời, tập trung đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục thông quan, hoàn thuế,… góp phần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, chủ động rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh (nếu cần), bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn (giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh có 28 dự án thuộc các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực này, bao gồm 16 dự án nguồn và lưới điện thuộc Quy hoạch điện VIII; 01 dự án sản xuất, chế biến Condensat thuộc Quy hoạch năng lượng; 06 dự án mở rộng và xây mới kho xăng dầu, khí đốt thuộc QH hạ tầng dự trữ, xăng dầu, khí đốt; 05 dự án khai thác nước khoáng, nước nóng thuộc QH khoáng sản). Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất, mặt nước, không gian biển dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai các dự án đầu tư, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, góp phần nâng cao tính tự chủ của sản xuất công nghiệp địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP địa phương. Muốn vậy, tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh (như ngành chế biến trái cây, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, dệt may, da giầy, linh kiện điện tử...); Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao và các ngành công nghiệp có tính nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, sửa chữa động cơ phục vụ công nghiệp chế biến, hóa chất...), tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương; Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Tiền Giang.
Thứ năm, đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa ở cả thị trường trong nước và quốc tế; triển khai có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử). Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP… để phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Thứ sáu, đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các trường Đại học, Cao đẳng và các Viện nghiên cứu thuộc ngành Công Thương để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tại chỗ theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và địa chỉ cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thương mại trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng ghi nhận và làm rõ thêm các nội dung giải đáp các kiến nghị, đề xuất liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ mà Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa ra tại buổi làm việc, đồng thời cho biết, một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác (như Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...), Bộ Công Thương sẽ phối hợp chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.