A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Lào Cai: Gợi mở giải pháp để Lào Cai trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước

Sáng ngày 30/8/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đến thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai nhằm đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 8 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo của 18 đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và công nghiệp, thương mại; về phía tỉnh Lào Cai có ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.

Buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành trong tháng 8/2024. Trước đó, từ ngày 7-9/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và thị sát một số cơ sở kinh tế, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn các tỉnh. Tiếp đến trong ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã có buổi làm việc với hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Lào Cai là tỉnh biên giới, được xem như “phên dậu của Tổ quốc” với chiều dài của đường biên giới hơn 182 km liền với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại của đất nước với phương châm “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới”.

Đáng chú ý, Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc; thuộc khu vực 02 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), Lào Cai được xem như là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn là nơi “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” với các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà); có cửa khẩu quốc tế lớn (trong tương lai, dự kiến có thêm 2 cửa khẩu quốc tế theo quy hoạch đã được phê duyệt); hạ tầng giao thông kết nối với đầy đủ các phương thức về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (trong tương lai gần sẽ có Cảng hàng không Sa Pa); giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…); cùng với nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng, rất độc đáo của 25 dân tộc...

“Lào Cai có điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, nhất là về phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa…”- Bộ trưởng đánh giá.

Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu

Báo cáo cụ thể về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng phát triển; trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với những điều kiện và lợi thế kể trên, tỉnh Lào Cai đã và đang trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Cũng theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, 8 tháng năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn trên đà tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực: công nghiệp khai thác, chế biến và điện nước. Giá trị sản suất công nghiệp ước đạt 29.489 tỷ đồng tăng 6% so với năm trước, bằng 56,5% kế hoạch năm. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 28.958,1 tỷ đồng, bằng 74,3% so với Kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, có nhiều giải pháp nhằm khôi phục và giữ ổn định. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu diễn ra khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất nhiều kiến nghị trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, phát triển thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, logistics và sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Đại diện các lãnh đạo của các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thẳng thắn trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời khuyến nghị những gợi mở về định hướng phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, năng lượng, hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương thời gian tới nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng có của tỉnh.

Khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế Lào Cai

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thời gian qua, tỉnh đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế cùng với tầm nhìn vượt thời gian và nỗ lực rất lớn nên cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã dành được kết quả rất nổi bật, vươn lên trở thành tỉnh thuộc Top đầu trong Vùng với tốc độ tăng trưởng khá cao và cơ cấu kinh tế tương đối tích cực. Trong hơn nửa đầu năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng chung của cả nước, nhất là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực công thương của tỉnh, như công nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, công nghệ sản xuất chậm đổi mới; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp thiếu cân đối; hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; chưa mở rộng được các thị trường khác; thị trường nội địa sức mua thấp; hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ…

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng đánh giá cao tầm nhìn và hoạch định của địa phương, nhất là về chủ trương phát triển theo mô hình “1 trục, 2 cực, 3 vùng, 4 trụ cột và 5 giải pháp đột phá”. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung:

Trước hết, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chủ trương chính sách mới có hiệu lực thi hành, nhất là các chính sách đột phá mới hoặc sắp được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu... đã và đang mở ra cơ hội mới cho các địa phương, trong đó có Lào Cai. Đặc biệt trong khi các dự án điện lớn chậm tiến độ, Lào Cai có tiềm năng phát triển năng lượng sạch, thủy điện nhỏ và vừa.

Thứ hai, Quy hoạch tỉnh Lào Cai được phê duyệt từ khá sớm so với các địa phương khác (tháng 3/2023). Tuy nhiên, Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của Tỉnh được phê duyệt; bởi vậy chắc chắn sẽ có nhiều Quy hoạch ngành, Quy hoạch vùng chưa được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh.

Do vậy, tỉnh cần khẩn trương chủ động rà soát Quy hoạch tỉnh để điều chỉnh, cập nhật các nội dung trong Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia cho đồng bộ, phù hợp để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới”- Bộ trưởng lưu ý.

Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch: 28 MW điện mặt trời mái nhà; 30 MW điện sinh khối; 1MW điện rác; 25 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 223,5MW; 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện đồng phát Đức Giang, công suất 100MW; 11 dự án lưới điện; 26 điểm mỏ khoáng sản (chì, kẽm, sắt, đồng, Molipden, vàng, đất hiếm, grafit, quarzit, thạch anh, vermiculit); 3 dự án chế biến đất hiếm.

Lào Cai có nhiều điều kiện để triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc các lĩnh vực trên, điều này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp thương mại, dịch vụ trên địa bàn mà còn  đánh thức tiềm năng của địa phương, thúc đẩy ngành kinh tế khác phát triển. Vì vậy, tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo công thức cuốn chiếu để bảo đảm đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch được duyệt, vừa góp phần tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương”- tư lệnh ngành Công Thương chia sẻ.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.

Tập trung phát triển công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản theo hướng không chỉ khai thác mà cần chú trọng chế biến sâu khoáng sản để có giá trị gia tăng cao, gắn với chú trọng bảo vệ môi trường, xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim, cơ khí, hóa chất lớn của cả nước; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư khai thác và chế biến sâu khoáng sản mà Lào Cai có thế mạnh, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các ngành  sản xuất, vật liệu, hóa chất, phân bón, cơ khí chế tạo và điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động vào môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu một số sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh (như chè, quế, dược liệu…) nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính (như Mỹ, châu Âu).

Quan tâm phát triển các nguồn năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương. Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành năng lượng sạch, chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ.

Chủ động triển khai Luật Đất đai 2024 để phát triển quỹ đất sạch, đủ lớn, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, triển khai các dự án lớn, tạo "cú huých", tác động lan tỏa mạng lưới doanh nghiệp  vệ tinh không chỉ Lào Cai mà các địa phương trong vùng, thậm chí cả nước.

Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (gần 60%), đề nghị tỉnh cần chú trọng khai thác tốt thế mạnh này để hình thành và phát triển thị trường mua bán tín chỉ Carbon giúp các doanh nghiệp trong tỉnh, trong Vùng có chứng chỉ xanh để sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Lào Cai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước nên trong định hướng sản xuất và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của tỉnh cần lưu ý quy định chống phá rừng của châu Âu, sẽ áp dụng từ tháng 01/2025; theo đó châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ), vì vậy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, đồ gỗ của tỉnh.

Thứ năm, về thương mại, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các DN tiếp cận và triển khai thực thi các Quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện tại, nhất là tiềm năng khai thác logistics ở địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng hỗ trợ các DN tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng và thị trường xuất khẩu mới.

Lào Cai có thế mạnh về phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Vì vậy tỉnh cần đẩy mạnh phát triển thương mại gắn với du lịch và nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm, xem đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ hiệu quả nhất.

Chú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho bãi, nhất là ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa và khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc và xa hơn nữa là khu vực Đông Âu.

Củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Quan tâm hơn cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, đề nghị tỉnh khẩn trương triển khai Chương trình kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong buổi làm việc, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất 13 kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, phát triển thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, logistics và sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

"Bộ Công Thương với chức năng nhiệm vụ quyền hạn hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ hết mình, đồng hành cùng Lào Cai thúc đẩy phát triển kinh tế" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết, sau buổi làm việc này, Bộ sẽ có văn bản thông báo kết luận chính thức, trong đó có việc giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi thị sát tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành, Lào Cai và gặp gỡ đại diện các lực lượng liên ngành trên địa bàn tỉnh./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website