A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành Công Thương tinh thông nghiệp vụ, vững vàng bản lĩnh chính trị

Tại buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, được sự tham gia, phối hợp, hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Công Thương.

Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương diễn chiều ngày 09/11/2021 có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đồng chí Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.  

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Công Thương.

Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, trong đó, xác định ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách đây 75 năm, vào năm 1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc Quốc hội chọn ngày 9 tháng 11 là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa chính trị - pháp lý quan trọng nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.

“Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với ngành Công Thương, trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ nội dung Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật kết hợp với đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Sơn báo cáo tình hình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương được triển khai nhằm thực hiện các nội dung: Tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các Luật được Quốc hội thông qua trong năm 2021. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong tuần lễ cao điểm cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, trong năm 2021, Bộ Công Thương phải trình và ban hành 29 văn bản gồm 6 Nghị định và 23 Thông tư. “Đến nay, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương đảm bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó tiếp thu để văn bản có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế khách quan hơn. Tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”- ông Nguyễn Anh Sơn cho biết.

Các luật, pháp lệnh mà Bộ Công Thương chủ trì xây dựng như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Hóa chất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương, Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ… đều tập trung vào việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh thương mại, tạo cơ sở đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, chống gian lận thương mại, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Tại buổi Lễ, các đồng chí Thứ trưởng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả đạt được của Vụ Pháp chế thời gian qua, đồng thời, động viên, giao nhiệm vụ trong thời gian tới. Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu công tác xây dựng pháp luật của Bộ tới đây cần tiếp tục quan tâm, hướng đến đối tượng doanh nghiệp và người dân nhiều hơn. Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã chia sẻ những khó khăn trong công tác xây dựng văn bản pháp luật của các cán bộ Vụ Pháp chế, đồng thời yêu cầu giảm thiểu tối đa các sai sót trong công tác xây dựng văn bản. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân hy vọng, không chỉ dừng lại ở riêng ngày 09/11 mà trong cả 365 ngày của năm, tinh thần của Ngày Pháp luật Việt Nam vẫn được lan toả rộng rãi.

 

Đại diện Lãnh đạo các đơn vị phát biểu ý kiến

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Lãnh đạo Cục Hoá chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp đều khẳng định luôn coi trọng công tác xây dựng văn bản và thực hiện tốt các quy định pháp luật trong đơn vị của mình. Bên cạnh đó, các đơn vị đều ghi nhận sự phối hợp tích cực của Vụ Pháp chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật ngành Công Thương là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Để Ngày Pháp luật năm 2021 tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2021 và những năm tiếp theo; phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; thông tin về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính… góp phần xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, bên cạnh những thuận lợi, còn có nhiều khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến ngành Công Thương nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Bộ Công Thương nói riêng.

Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu, để tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong ngành Công Thương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lấy kết quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với đơn vị thuộc Bộ.

Trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua các dự án: Luật Dầu khí sửa đổi, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Hóa chất, Luật Phát triển công nghiệp.

Chủ động nghiên cứu, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn.

Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nướ của Bộ Công Thương.

Việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật cần lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, kiến nghị giải pháp xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Bốn là, tiếp tục rà soát, kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế trong ngành Công Thương bảo đảm hoạt động hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, trình độ, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành Công Thương vững về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về pháp luật; có năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong ngành Công Thương.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Vụ Pháp chế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt lãnh đạo Bộ ghi nhận để có hướng xử lý phù hợp, tạo điều kiện để Vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng lưu ý, Vụ Pháp chế không chỉ là đơn vị phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ mà phải làm tốt công tác đôn đốc, giám sát, từ đó tham mưu Lãnh đạo Bộ để công tác pháp chế của Bộ ngày càng tốt hơn.


Tác giả: Hồng Hạnh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website