A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 32 trực tuyến

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32) được tổ chức vào ngày 08 đến ngày 09 tháng 11 năm 2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân, bà Nanaia Mahuta và Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu Niu Di-lân, ông Damien O’Connor.

Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Ban thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc, toàn diện trên toàn cầu và gây ra những hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế, năm nay, Hội nghị AMM tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo chương trình nghị sự, Hội nghị được chia thành 2 phiên làm việc. Phiên làm việc thứ 1 (ngày 8/11/2021) tập trung thảo luận về cách thức đẩy nhanh phục hồi kinh tế thông qua các hoạt động/sáng kiến thương mại. Các Bộ trưởng đã nghe báo cáo kết quả hoạt động và khuyến nghị của Chủ tịch ABAC, Tổng thư ký PECC và báo cáo của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - Bà Ngozi Okonjo-Iweala - về những tiến triển tại WTO trong thời gian qua. Phiên làm việc thứ 2 (ngày 9/11/2021), các Bộ trưởng tập trung thảo luận về việc thúc đẩy phục hổi kinh tế thông qua các công cụ hợp tác kinh tế - kĩ thuật.

Trong ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận nhiều nội dung hợp tác quan trọng nhằm góp phần phục hồi kinh tế - thương mại trong năm 2021 và thời gian tới, cụ thể: báo cáo rà soát cam kết của các Bộ trưởng Thương mại APEC về Thương mại hàng hóa COVID-19; các biện pháp được thực thi tại các nền kinh tế thành viên để tái thiết và phục hồi kinh tế sau đại dịch; vai trò của các hiệp định thương mại tự do đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế; củng cố hệ thống thương mại đa phương thông qua cải cách WTO cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong WTO và các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh một số ưu tiên của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phục hồi kinh tế, thương mại, đầu tư trong nước cũng như góp phần vào phục hồi chung của khu vực APEC. Cụ thể:

1. Phục hồi chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất – kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân khôi phục, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh và ổn định đời sống qua gói hỗ trợ của Chính phủ, cũng như các giải pháp cụ thể, bao gồm: miễn, giảm nhiều loại thuế, phí trong các lĩnh vực chịu tác động của dịch COVID-19; xây dựng quy trình di chuyển an toàn để đảm bảo di chuyển nội địa, hướng tới mở cửa biên giới thông qua việc hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới, công nhận hộ chiếu vắc-xin, v.v.

3. Triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn cho hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng số quốc gia... với sự dẫn dắt của đầu tư công và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.

Về đóng góp của APEC đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc Việt Nam tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống thương mại đa phương mở, cân bằng, không phân biệt đối xử, dựa trên nguyên tắc và luật lệ. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên WTO để thúc đẩy triển khai và đạt được những kết quả thiết thực, có ý nghĩa tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO lần thứ 12 sắp tới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh APEC cần tiếp tục ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin, thông lệ tốt để giúp các nền kinh tế đang phát triển thu hẹp khoảng cách phát triển, qua đó hội nhập nhanh và hiệu quả hơn vào hệ thống thương mại đa phương.


Nguồn:Vụ Chính sách thương mại đa biên Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website