A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp Ban Chỉ đạo lần thứ hai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025

Chiều ngày 9/3/2023, cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ hai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình DEPP3) đã được diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đồng chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Công Thương có đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Về phía Đan Mạch có đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch. Buổi họp còn có sự tham dự của các cán bộ, chuyên viên các bên. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đồng chủ trì cuộc họp.

Đây là phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo Chương trình. Trước đó, cuộc họp lần thứ nhất đã diễn ra vào ngày 19 tháng 4 năm 2022 tại trụ sở Bộ Công Thương, trong đó Ban chỉ đạo đã phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Chương trình.

Thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng

Tại cuộc họp, hai bên đã đã đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022 của Chương trình DEPP 3 cũng như Kế hoạch hoạt động của Chương trình trong năm 2023. Qua đó cùng nhau thảo luận một số nội dung liên quan để triển khai Chương trình DEPP 3 như: Dự thảo thiết kế Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thuộc Hợp phần 3; cập nhật một số vấn đề liên quan đến chương trình DEPP 3 và thống nhất kế hoạch hoạt động trong năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cảm ơn sự ủng hộ tích cực và hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và cá nhân Ngài Đại sứ trong thời gian qua đã góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy cho sự phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nêu ý kiến về những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung nếu có để Ban Chỉ đạo xem xét cho ý kiến chỉ đạo ngay tại cuộc họp, nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các bên trong quá trình triển khai các hoạt động của Chương trình trong thời gian tới.  

Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam theo hướng tăng cường khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đóng góp vào việc triển khai các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chương trình DEPP3 là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Chương trình được thiết kế nhằm tiếp tục phát huy các kết quả hợp tác đạt được giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng giai đoạn trước (Chương trình DEPP2). Chương trình DEPP3 bao gồm 3 hợp phần, gồm hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.

Trong năm 2021, cả ba hợp phần đều đã được các bên phối hợp tích cực, đẩy nhanh tiến độ triển khai trong bối cảnh diễn ra dịch Covid-19. Năm 2022, mặc dù còn một số nội dung được triển khai hơi chậm nhưng cả ba hợp phần đã được các đơn vị chủ trì nỗ lực thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Báo cáo tiến độ thực hiện các hợp phần trong năm 2022, ông Loui Algren, Quản lý dự án quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch, cho biết, hợp phần 1 - Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, đã hoàn thành và công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2021 theo kế hoạch, đồng thời tổ chức thành công hội thảo về các xu hướng chi phí điện gió ngoài khơi trên thế giới.

Ở hợp phần 2 - Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện do Cục Điều tiết điện lực chủ trì, đã tổ chức các cuộc họp chuyên gia về các bên liên quan chịu trách nhiệm cân bằng hệ thống điện, thiết kế thị trường điện và giá điện; đồng thời hoàn tất hoạt động hỗ trợ cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện về kết hợp dự báo tối ưu và lập kế hoạch cắt điện. Một chuyến thăm cấp cao và một chuyến thăm cấp kỹ thuật sang Đan Mạch bao trùm các nội dung của tất cả các kết quả đầu ra của hợp phần 2 cũng đã được tổ chức trong năm 2022.

Ở hợp phần 3 - Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì, đã tổ chức được một chuyến thăm quan học tập sang Đan Mạch về chủ đề tiết kiệm năng lượng. Hiện, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang hoàn tất Dự thảo định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa.

Tại cuộc họp, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đánh giá cao những kết quả này. Mặc dù vậy, Đại sứ cũng thẳng thắn thừa nhận một số nội dung công việc còn chậm trễ so với kế hoạch đã đề ra, các đơn vị thực hiện cần phải cố gắng để cải thiện những nội dung này.

Đồng quan điểm với Đại sứ Nicolai Prytz, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng  Hoàng An ghi nhận những kết quả đã đạt được của các hợp phần, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục trong năm 2023. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần có giải pháp tăng cường nhân lực tham gia thực hiện Chương trình, nâng cao chất lượng công việc của đơn vị tư vấn, phối hợp và phản hồi các nội dung công việc nhanh hơn để đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong năm 2023. 

Cũng tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thực hiện các hợp phần đã trình bày Kế hoạch hoạt động năm 2023 của từng hợp phần với những nội dung cụ thể, chi tiết. Sau khi thảo luận, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phê duyệt Kế hoạch năm 2023.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai sử dụng tiết kiệm và hiệu quả

Bên cạnh đó, đề xuất thiết kế Chương trình Thỏa thuận tự nguyện (VAS) cũng đã được thông qua. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực về cải thiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai cải thiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam còn gặp phải một số rào cản. Chương trình VAS dự kiến sẽ giúp tháo gỡ 2 trong số các rào cản lớn nhất đối với việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp gồm: Thiếu năng lực kỹ thuật để xây dựng và triển khai các dự án và hạn chế tiếp cận với nguồn tài chính.​

Theo đó, Chương trình VAS sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp để xây dựng các dự án đầu tư TKNL khả thi, bao gồm: Hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng đề xuất dự án đầu tư TKNL để tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuẩn bị hồ sơ dự án để tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu cho các dự án TKNL.

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) đã được triển khai chính thức từ tháng 10 năm 2021, sau khi Hiệp định Chương trình có hiệu lực. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu triển khai Chương trình, với sự nỗ lực của các đơn vị liên quan của Việt Nam và Đan Mạch trong việc phối hợp triển khai các hoạt động, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực trong 2 năm qua và được Bộ Công Thương đánh giá cao.  


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website