A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển hợp tác năng lượng Việt Nam - EU

Ngày 18 tháng 2 năm 2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17 đến 19 tháng 2 năm 2022.

Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, cùng Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Xuất Nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng đánh giá cao chuyến công tác của Phó Chủ tịch EC, trong bối cảnh cả Việt Nam và EU đều đang tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa kết quả Hội nghị thượng đỉnh COP26. Tại buổi tiếp, hai Bên đã có những trao đổi cụ thể, thiết thực trên cơ sở xem xét những hợp tác hiện có và tìm ra những phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi năng lượng, trên cơ sở hài hoà lợi ích hai Bên, cũng như phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia. EU hiện là đối tác đi đầu với những cam kết và hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và chuyển đổi xanh trên thế giới và đã đạt được những bước tiến dài. Bộ trưởng đề nghị với những kinh nghiệm và thực tiễn phong phú, cùng thế mạnh về công nghệ và tài chính, EU hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo cũng như chuyển đổi mô hình phát triển hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Frans Timmermans

Hai Bên đã có những trao đổi hết sức cởi mở và cụ thể về các nội dung cùng quan tâm như chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, kế hoạch thực hiện các cam kết tại COP26, kế hoạch chuyển đổi năng lượng và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam kiên trì thực hiện các mục tiêu chuyển dịch nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính... bằng các nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Đối với các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với các đối tác, nhà tài trợ của EU thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Những hợp tác trong phát triển bền vững cũng đã được hai Bên phối hợp triển khai hết sức tích cực và có hiệu quả trong thời gian qua thông qua các thiết chế của Hiệp định EVFTA. EVFTA là Hiệp định đầu tiên Việt Nam cam kết đối với nội dung thương mại và phát triển bền vững, thể hiện sự quan tâm và coi trọng phát triển cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy thương mại và mục tiêu bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam. Với EVFTA, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ hiện đại và tiên tiến của EU, cũng như thu hút đầu tư, các dự án hỗ trợ để đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh và số, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ tiêu chuẩn cao, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.

Kết luận buổi làm việc, hai Bên ghi nhận và đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng, đồng thời thống nhất tăng cường phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới. Bộ Công Thương đề nghị phía EU tiếp tục ủng hộ, cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyển giao công nghệ để triển khai hiệu quả các hoạt động, dự án hợp tác về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam, điển hình là Chương trình Chuyển dịch Năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) và Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG). Bên cạnh đó, hỗ trợ tích cực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng mô hình sản xuất, hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của EU.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD tăng 14,2%, nhập khẩu 16,9 tỷ USD tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website