A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 22/8/2022 đến 28/8/2022

Hội nhập kinh tế quốc, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và gần đây nhất là xung đột giữa Nga và Ucraina… đã thúc đẩy các ngành, trong đó có ngành Công Thương tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực. Từ đó, đòi hỏi thị trường lao động trong các ngành này cũng phải được điều chỉnh tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới.

Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 22/8/2022 đến ngày 28/8/2022 và gửi đến bạn đọc.

Ổn định nguồn cung xăng dầu từ nay đến hết năm

Phát biểu tại cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước diễn ra vào sáng ngày 26/8/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trong 5 tuần vừa qua giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm và đến thời điểm gần đây nhất vẫn tiếp tục giảm. Đây là thành quả rất lớn, thể hiện chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước và là sự nỗ lực rất cao của các bộ, ngành chức năng, của cấp ủy, chính quyền các địa phương, hệ thống kinh doanh xăng dầu.

“Có 2 điều cần khẳng định tại cuộc họp hôm nay, một là, từ đầu năm tới nay Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; hai là, bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, để khẩn trương ổn định tình hình dư luận và giữ ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các Bộ, ngành và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, lực lượng quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả thực thi, chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước nên tình hình kinh doanh xăng dầu ổn định, nguồn cung chưa bao giờ thiếu, giá cả luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới; môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng nhờ có các đoàn thanh kiểm tra và giám sát của các cơ quan chức năng và xã hội; các đơn vị của Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiếm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu

Ngày 28/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhằm giải quyết nhiều vấn đề nóng. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng lợi thế rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, có đất đai phù hợp với cây lúa, cây ăn trái, đặc biệt là sản phẩm thủy sản. Bạc Liêu cũng có bờ biển dài hàng trăm ngàn héc ta - đây là điều kiện đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản rất tốt và là điều kiện để tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ nỗ lực cùng địa phương để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết. Để tỉnh Bạc Liêu phát huy thế mạnh, tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: tỉnh cần tiếp tục rút bài học của các địa phương, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác nhằm tạo điều kiện phục hồi phát triển kinh tế một cách ổn định; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, vừa để đồng bộ với tiến độ lập quy hoạch các ngành các cấp, vừa làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có tính động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp thương mại của Tỉnh; đối với việc chú trọng phát triển 5 trụ cột của tỉnh, Bộ Công Thương rất đồng tình. Tuy vậy tỉnh cần phải tìm ra đột phá của 5 trụ cột, không nên dải đều mà cần phải tập trung thu đầu tư vào một số lĩnh vực chủ yếu; tiếp tục củng cố phát triển thị trường nội địa trên cơ sở khai thác cả hai loại hình thương mại truyền thống (chợ, các siêu thị, cửa hàng) với thương mại điện tử - tức là bán hàng trên nền tảng số vì trong trong tương lai thương mại điện tử có thể sẽ thay thế thương mại truyền thống.

Chi tiết xem tại đây

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm, làm việc tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (thuộc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh (Công ty Phương Anh).

Ghi nhận những kết quả mà Công ty Phương Anh đã và đang đạt được trong việc triển khai thực hiện 3 dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng công suất lên trong thời gian tới. Đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động thực hiện dự án nếu gặp những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp đến Bộ Công Thương để được hỗ trợ.

Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng

Nhận lời mời của Ngài Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các Bộ, ngành, doanh nghiệp đi Tokyo, Nhật Bản để chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng (UBHH).

Đây là kỳ họp UBHH đầu tiên mà Ngài Nishimura Yasutoshi chủ trì tổ chức ngay sau khi mới được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng METI trong đợt cải tổ nội các Nhật Bản ngày 10 tháng 8 năm 2022. Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những thành tựu quan trọng đạt được kể từ kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ tư tháng 8 năm 2020. Hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp trong việc tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh; Đảm bảo sự ổn định và liên tục của tăng trưởng thương mại và đầu tư trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức như dịch COVID-19, xung đột, căng thẳng địa chính trị, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, hai Bên cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương về hợp tác kinh tế và thương mại mà cả hai nước đều là thành viên. Đặc biệt, hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP.

Chi tiết xem tại đây

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đồng tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, với sự tham gia thực hiện của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC).

Đã có trên 150 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam và đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Nhật Bản (METI), JETRO, AJC đã tham dự, chia sẻ nhiều thông tin giá trị và kết nối đối tác hợp tác kinh doanh, đầu tư triển vọng tại Diễn đàn trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, về phía Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam luôn cam kết ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư, Tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như thu hút đầu tư Nhật Bản với chất lượng cao hơn, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản với Diễn đàn để giải đáp trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác kinh doanh và đầu tư thành công.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Chủ tịch JETRO Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và JETRO Nhật Bản, cùng một số vấn đề thời sự cụ thể mà hai bên cùng quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông báo với đại diện JETRO về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây. Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các bên nhằm duy trì sản xuất và là nguồn cung ứng quan trọng không chỉ cho Nhật Bản và cả thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và JETRO Nhật Bản (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - METI) tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại để đạt được các mục tiêu thương mại đề ra.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tập trung 6 giải pháp phát triển nguồn nhân lực bắt kịp đòi hỏi công nghiệp hoá

Vừa qua, tại Hội nghị Phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có những gợi mở để phát triển nguồn nhân lực bắt kịp xu hướng phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và làm bộc lộ rõ nét hơn nhiều vấn đề bất cập của phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ và làm chủ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng cũng sẽ được chú trọng.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhận định nhu cầu lao động có kỹ năng, trình độ cao sẽ tăng mạnh; người lao động trong nước, nhất là lao động có trình độ, tay nghề sẽ có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động rộng lớn, hiện đại, chuyên nghiệp hơn... nhưng cũng đồng thời thu hẹp quy mô việc làm của các ngành sử dụng lao động phổ thông (dệt may, da giày...). Người lao động thiếu kỹ năng, chưa qua đào tạo sẽ khó khăn trong tiếp cận việc làm. Để khắc phục các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự liên thông với các thị trường khác đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại trong tình hình mới, Bộ trưởng đã đưa ra 6 giải pháp dưới góc nhìn của ngành Công Thương.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào

Ngày 25 tháng 8 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cảm ơn đồng chí Đại sứ và các cán bộ trong Đại sứ quán đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thời gian qua để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp giữa hai nước, cũng như sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán dành cho các doanh nghiệp hai nước trong việc kết nối thương mại, đầu tư, tháo gỡ các khó khăn gặp phải trong quá trình hợp tác kinh doanh.

Thứ trưởng khẳng định, trong phạm vi phụ trách và thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ Lào tháo gỡ những khó khăn đặt ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới và những diễn biến địa chính trị trên thế giới đang đặt ra nhiều khó khăn cho các nước trong đó có Lào. Thứ trưởng đã thông tin về Hội chợ Thương mại Việt Nam – Lào năm 2022 và cảm ơn sự phối hợp của Đại sứ quán để tổ chức thành công sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng này, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai nước.

Chi tiết xem tại đây

Trong khuôn khổ chuyến công tác, làm việc tại Lào từ ngày 24-25/8/2022, chiều ngày 24 tháng 8 năm 2022 tại trụ sở Bộ Công Thương Lào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi tiếp kiến và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Mạ-lay-thong Côm-mạ-sít. Trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã trao đổi về tình hình kinh tế, xã hội của mỗi nước, những diễn biến địa chính trị và tình hình thế giới, khu vực có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của mỗi nước, rà soát tình hình hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, các biện pháp và hoạt động cụ thể cần phối hợp triển khai trong thời gian tới.

Hai Bên khẳng định quyết tâm sẽ tích cực phối hợp để triển khai các biện pháp thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương. Đồng thời, nhất trí sớm hoàn tất đàm phán, ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào, sớm hoàn thành việc sửa đổi Hiệp định thương mại song phương, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và Lào, hướng tới một Hiệp định tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Chi tiết xem tại đây

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022 (VIETLAO EXPO 2022). Hội chợ được xem là sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước tổ chức thường niên tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Năm nay, Hội chợ cũng là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn chào mừng năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, đồng thời sự kiện mang nhiều ý nghĩa với với những hoạt động kỷ niệm trang trọng, sôi nổi, phong phú và thiết thực nhằm nghi nhận mốc son đặc biệt kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022).

Phát biểu khai mạc Hội chợ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Tôi rất vui mừng nhận thấy Hội chợ năm nay được tổ chức quy mô bề thế, hàng hóa trưng bày tại Hội chợ đa dạng và phong phú với những mẫu mã đẹp mắt, chủng loại đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng được tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của thị trường hai nước. Điều này chứng tỏ sự quan tâm và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ thương mại Việt – Lào”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ về sự thành công của Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022. Thành công của Hội chợ sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm việc với Lãnh đạo tỉnh Sơn La

Ngày 22/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Sơn La nhằm nghe những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để hướng dẫn và hỗ trợ tỉnh trong các lĩnh vực phát triển liên quan đến ngành Công Thương. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công Thương: Cục Công thương địa phương; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Điều tiết điện lực; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Kế hoạch; Văn Phòng Bộ...

Phát biểu tại buổi làm việc, thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Tỉnh đã có những sản phẩm có tỷ trọng lớn trong cơ cấu quốc gia như điện, xi măng, đường… Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ủng hộ tỉnh Sơn La trong việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của Miền Bắc. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nếu Sơn La thực hiện được 6 nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng đã giao thì tỉnh sẽ giải quyết và tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn để phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông nhằm phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, xây dựng mạng lưới logistic.

Chi tiết xem tại đây

Phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Thương vụ - sứ giả kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế

Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày 19/8/2022 tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy hiệu quả vai trò tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Chi tiết xem tại đây

Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương: Hun đúc lòng yêu nước và tinh thần dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc Khánh Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022), sáng ngày 25/8, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức sinh hoạt chính trị tại Phòng Truyền thống ngành Công Thương.

Trước đó, Đoàn đã tham gia Lễ dâng hương tại Phòng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các trụ sở Bộ Công Thương để tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu. Hoạt động là sự kiện đầu tiên của Ban Chấp hành Đoàn Bộ Công Thương sau thành công của Đại hội Đoàn Bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 vào ngày 14-15/8/2022 vừa qua. Tham dự hoạt động có đồng chí Phạm Khắc Huy - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, đồng chí Hoàng Trần Phương và đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ cùng các đồng chí thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ và đại diện một số cơ sở đoàn trực thuộc.

Chi tiết xem tại đây

Thông tin điều hành giá kinh doanh xăng dầu ngày 22/8/2022

Kỳ điều hành này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng, tuy nhiên, để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu để giữ ổn định giá mặt hàng xăng và dầu mazut, hạn chế mức tăng đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 23.725 đồng/lít (ổn định so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 944 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 24.669 đồng/lít (ổn định so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 23.759 đồng/lít (tăng 851 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu hỏa: không cao hơn 24.056 đồng/lít (tăng 736 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.548 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Chi tiết xem tại đây

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm vật liệu hàn (vụ việc AD15)

Ngày 15 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc: AD15).

Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) bao gồm que hàn inox 308 có bọc thuốc thuộc mã HS 8311.10.90, 8311.30.99, 8311.90.00 và dây hàn thép đặc không lõi thuốc thuộc mã HS 7217.10.10, 7217.30.19, 7217.90.10, 7229.20.00, 7229.90.20, 7229.90.99, 8311.10.10, 8311.10.90, 8311.30.91, 8311.30.99, 8311.90.00.

Điều 10 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 37/2019/TT-BCT) quy định

Chi tiết xem tại đây

Bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm

Hiện nay đang vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2-9, tết Trung Thu, Giáng sinh…). Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện các nhiệm vụ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng gửi Công văn số 5097/BCT-TTTN đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu Chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động xúc tiến thương mại

“Hội nghị kết nối thương mại điện tử thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL năm 2022” thúc đẩy liên kết vùng phát triển thương mại điện tử

Từ ngày 09 – 10/9/2022, Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phối hợp với Sở Công Thương thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức “Hội nghị kết nối thương mại điện tử Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2022 với chủ đề Thúc đẩy phương thức phân phối hiện đại và định hướng tiêu dùng trên thương mại điện tử.

Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo thành phố Cần Thơ, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; doanh nghiệp, hợp tác xã, Cơ sở kinh doanh, Đoàn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học, các hội viên Hội Phụ nữ thành phố, Hội nông dân thành phố. Bên cạnh đó, để tăng cường thúc đẩy liên kết vùng phát triển sản xuất và thúc đẩy thương mại điện tử, Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của các đoàn Sở ban ngành và doanh nghiệp từ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung.

Hội nghị này là hoạt động thiết thực của Bộ Công Thương nhằm triển khai chuỗi hoạt động đẩy mạnh thương mại điện tử tại Cần Thơ và khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phương thức phân phối hiện đại, đặc biệt là tận dụng lợi thế của thương mại điện tử phát triển kinh doanh theo hướng hiện đại, quảng bá, kết nối đối tác, khách hàng tiềm năng và tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo điều kiện trao đổi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các Hợp tác xã, làng nghề, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… của thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thông tin chương trình cũng được đưa trên trang tuhaoviet.vn - Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022

Nhằm cập nhật các yêu cầu xúc tiến thương mại của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu và cơ hội thị trường nước ngoài phục vụ công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại là cơ quan đầu mối tổ chức Chuỗi các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước theo định kỳ hàng tháng trong năm 2022 và 2023, trong đó có "Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022".

Chi tiết xem tại đây

Triển lãm nguồn hàng quốc tế Australia 2022

Từ ngày 15 – 17/11/2022 sẽ diễn ra Triển lãm nguồn hàng quốc tế Australia 2022 (INTERNATIONAL SOURCING EXPO AUSTRALIA 2022) tại Thành phố Melbourne, Australia. Đây là sự kiện thường niên, sau 2 năm gián đoạn do Covid-19, sự kiện năm nay được tổ chức với quy vô lớn, thu hút trên 1000 sản phẩm, 300 công ty đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Đây là dịp để các nhà cung cấp trên khắp thế giới có thể gặp gỡ và kinh doanh với các nhà nhập khẩu về hàng may mặc, phụ kiện và dệt may (apparel, accessories, and textiles). Cùng thời gian cũng diễn ra triển lãm nguồn hàng về dày dép và các sản phẩm da (Footwear & Leather Show). Tham dự sự kiện mang lại cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật xu hướng, cải thiện chuỗi cung ứng, so sánh các chi phí và dịch vụ, xây dựng nhãn hiệu của riêng mình, đa dạng hóa thương hiệu và nguồn hàng.

Chi tiết xem tại đây

Chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam tại Úc

Trong bối cảnh tôm Việt Nam được thị trường Úc đánh giá cao về chất lượng, do vậy, đây là thời điểm tốt nhất để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam gắn với thương hiệu nhà xuất khẩu Việt Nam. Chương trình bao gồm các hoạt động: Quảng bá thương hiệu doanh nghiệp tại triển lãm thực tế ở Úc kết hợp với gian hàng trên triển lãm số, mời dùng thử sản phẩm, đưa thương hiệu của doanh nghiệp vào các ấn phẩm quảng bá, truyền thông tại Úc, thực hiện kết nối giao thương

Chi tiết xem tại đây

Triển lãm quốc tế về gỗ, đồ gỗ tại Algeria

Algeria Woodtech là triển lãm hàng đầu trong lĩnh vực gỗ, đồ gỗ, trang thiết bị và công nghệ gỗ tại Algeria. Dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Công nghiệp Algeria, Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/9/2022 quy tụ các ngành nghề chính trong lĩnh vực gỗ và đồ gỗ nhằm tạo lập và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư vào ngành này.

Algeria không sản xuất gỗ nên phải nhập khẩu gỗ để chế biến hoặc nhập khẩu đồ gỗ làm sẵn. Mỗi năm, nước này nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gỗ, trong đó 200.000 tấn dùng để sản xuất đồ gỗ. Algeria mua gỗ từ 38 nước trong đó có Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Libăng, Phần Lan, Braxin, Bờ Biển Ngà, CHDC Congo, Nigeria và Cameroon. Đồ gỗ nhập khẩu từ châu Âu được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 15%, VAT 9% trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Algeria-EU. Đối với đồ gỗ của các nước không ký FTA với Algeria khi nhập khẩu vào Algeria phải chịu thuế NK 30% (bên cạnh VAT 19%, thuế khấu trừ 2% và thuế đoàn kết cộng đồng 2%). Đối với gỗ thô, thuế nhập khẩu là 5%, gỗ sơ chế, thuế nhập khẩu 15% và gỗ dán là 15%.

Chi tiết xem tại đây


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website