Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ủng hộ các kiến nghị tạo thuận lợi để ngành than phát triển
Cho rằng chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong cân bằng cán cân thương mại, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TKV, các nhà quản lý, nhà khoa học trong ngành than nghiên cứu các giải pháp để cấp đủ than cho sản xuất điện khi hiện nay chúng ta phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than cho các nhà máy điện trong nước.
Sáng 24/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến kiểm tra tình hình sản xuất, thăm hỏi, động viên công nhân và người lao động đang làm việc hầm mỏ ở độ sâu gần 300 m dưới mực nước biển, tại khu vực mỏ khai thác than Công ty CP Than Núi Béo (Tập đoàn TKV Việt Nam), TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Sau đó, Phó Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành than tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Hài hòa kinh tế và môi trường
Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn, tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tập thể cán bộ quản lý, công nhân viên, người lao động TKV với truyền thống đoàn kết của người thợ mỏ đã nỗ lực hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế”.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Tập đoàn đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2021. Theo đó, TKV là một trong số rất ít các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020. Tuỳ theo từng chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng bình quân của Tập đoàn đạt từ 5-8%. Doanh thu ước đạt hơn 96 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 2 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
“Tập đoàn và các đơn vị đồng lòng hỗ trợ cùng chia sẻ khó khăn trong nội bộ cũng như với đối tác, bạn hàng; bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập của 95.000 người lao động”, ông Lê Minh Chuẩn nói. Đặc biệt là ổn định sản xuất, giảm giá than cho sản xuất điện so với năm 2020, góp phần giảm giá bán điện, ổn định đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng cao.
Để phát triển ngành than trong thời gian tới, lãnh đạo TKV đề nghị Chính phủ và Bộ TN&MT xem xét cấp phép khai thác theo hướng xác định đất đá từ khai thác mỏ là “chất thải rắn thông thường, chứ không phải tài nguyên khoáng sản để đưa vào san lấp nhằm gia tăng giá trị than”.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá Quảng Ninh có xu hướng chuyển từ "nâu sang xanh" trong phát triển kinh tế, do đó, có những vấn đề đan xen trong phát triển và bảo đảm năng lượng. Hiện, TKV đang triển khai xây dựng quy hoạch năng lượng quốc gia, trong đó có ngành than. Phạm vi, ranh giới thăm dò khai thác ước chừng khoảng 55.000 ha trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nên phải cân đối với diện tích phát triển công nghiệp, đô thị... của tỉnh.
Vấn đề tận dụng đất đá thải từ khai thác than, Bộ Xây dựng hoàn toàn ủng hộ, hằng năm với 130 triệu m3 (lượng đất đá thải từ khai thác than), thì riêng Quảng Ninh, khối lượng cần san lấp, đắp nền cũng vào khoảng 150 triệu m3. Do đó, nếu vật liệu thải từ khai thác than được sử dụng để làm vật liệu đắp nền, xây dựng thì rất tốt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An (người đứng hàng đầu bên trái) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng Quảng Ninh tiếp tục là trung tâm năng lượng của đất nước, trong đó có than, điện. Do đó, việc phát triển ngành than phải đáp ứng bảo đảm an ninh năng lượng, trong bối cảnh Quảng Ninh chuyển đổi từ "nâu sang xanh" thì phải hài hòa trong phát triển. Cho rằng chúng ta không còn nhiều trữ lượng than, trong khi số dự án khai thác than xuống sâu còn ít, Thứ trưởng nói cần tăng cường đầu tư trong ngành than, nhất là về khoa học, công nghệ, để mở rộng các dự án khai thác xuống sâu.
Về kiến nghị của TKV, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng đất đá thải mỏ để phục vụ cho các công trình này trên nguyên tắc bảo đảm an toàn môi trường. Điều quan trọng nữa là sử dụng được đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm áp lực cho các bãi thải, tránh nguy cơ sụt lún về mùa mưa lũ và bảo đảm lâu dài.
Nỗ lực bảo đảm đủ than cho ngành điện, góp phần giảm nhập siêu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ vui mừng khi đến thăm một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đánh giá cao kết quả mà TKV đạt được, Phó Thủ tướng nêu rõ hiện nay, Chính phủ đang tập trung, quyết tâm cao để nhanh chóng phục hồi sản xuất ở các vùng có dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất ở các địa phương đang là động lực phát triển mạnh mẽ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội. Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5-3% thì quý IV phải đạt tăng trưởng 6,5-7%. Cho nên, nhiệm vụ rất quan trọng là phải đưa sản xuất trở lại hoạt động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn.
“Sáng nay, tôi đã xuống khu vực sản xuất ở độ sâu -240 m của công nhân mỏ. Cũng trưởng thành từ giai cấp công nhân, tôi rất xúc động khi thấy anh em công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm dưới mỏ rất vất vả, nhưng cũng rất mừng khi thấy công nghệ hiện đại, điều kiện làm việc của công nhân ở khu vực -240 m rất an toàn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đối với sự phát triển của Quảng Ninh, Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về hạ tầng giao thông của tỉnh vùng Đông Bắc đất nước. Từ chỗ khó khăn về giao thông, đến nay, Quảng Ninh có đầy đủ các loại hình giao thông gồm: Sân bay Vân Đồn, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhưng ấn tượng nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Phó Thủ tướng nêu rõ hạ tầng giao thông là động lực phát triển KT-XH, là môi trường để thu hút đầu tư kinh doanh. Từ nay đến 2025, 2030 Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, thay đổi rất lớn, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Đối với công nhân mỏ, Phó Thủ tướng cho rằng thợ mỏ Quảng Ninh đã giữ được ngọn lửa cách mạng, truyền thống cách mạng của công nhân Việt Nam. Qua tình hình sản xuất kinh doanh, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 với nhiều khó khăn, các chỉ số của ngành than đạt được rất cao.
Ngành than đã phát huy truyền thống kiên cường, đổi mới của giai cấp công nhân trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TKV còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần được khắc phục trong thời gian tới như điều kiện khai thác mỏ, nhất là than, ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên xuống sâu hơn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng quà, chúc mừng Tập đoàn TKV đạt kết quả tích cực trong phát triển sản xuất. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành than tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên. Phó Thủ tướng đề nghị ngành than chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất; tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành cho phù hợp với tình hình mới và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cũng như dự báo về tài nguyên khoáng sản:
“Với trữ lượng than hiện nay, chúng ta phái tính tới một chiến lược dài hơi. Vì vậy quy hoạch về trữ lượng này chúng ta phải bảo vệ để khai thác được. Để tính toán ngành than phát triển dài hơi, đề nghị bộ, ngành và các cơ quan Trung ương quan tâm vì đây là nguồn lực rất lớn trong phát triển của đất nước ta”, Phó Thủ tướng nói.
Cho rằng chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong cân bằng cán cân thương mại, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TKV, các nhà quản lý, nhà khoa học trong ngành than nghiên cứu các giải pháp để cấp đủ than cho sản xuất điện khi hiện nay chúng ta phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than cho các nhà máy điện trong nước.
Về một số kiến nghị của Tập đoàn TKV, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Công Thương, Tài chính, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo giải quyết. Trong đó chú ý tới việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép khoáng sản để phục vụ các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng công suất mỏ; các thủ tục cấp phép khai thác đất đá thải trong quá trình khai thác than; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 và phát triển ổn định, bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham gia chuyến công tác của Phó Thủ tướng