A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáng nay 20/10/2021: Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11.

Theo nội dung chương trình, trong 2 đợt của kỳ họp (đợt 1 họp trực tuyến 11 ngày, từ ngày 20-30/10 và đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày từ ngày 8-13/11), Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.

Cụ thể, đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20-30/10/2021). Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy, 1 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (06 ngày, từ ngày 8-13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ Bảy.

Ngoài ra, Quốc hội dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021. Đồng thời, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024…

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo chương trình, tại phiên khai mạc vào sáng 20/10, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, tiếp đó Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ có Báo cáo thẩm tra đánh giá về báo cáo này của Chính phủ.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt chúng ta đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.


Tác giả: Bình An

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website