A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương với chính quyền tỉnh Vân Nam – Trung Quốc

Thực hiện chương trình công tác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện một số đơn vị của Bộ Công Thương và địa phương quan trọng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (Lào Cai và Hà Nội) thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc cuối tháng 4 năm 2024.

Chuyến công tác nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng của tỉnh Vân Nam phối hợp triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc và thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Vân Nam.

Tại Vân Nam, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tiến hành hội đàm với đồng chí Lưu Dũng, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định vai trò quan trọng của tỉnh Vân Nam trong hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc khi là một trong hai địa phương Trung Quốc có đường biên giới đất liền với Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam với Việt Nam chưa tương xứng tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên. Kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam năm 2023 mới đạt 2,65 tỷ USD, chiếm chưa đến 1% tỷ trọng thương mại Việt - Trung. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị hai bên cùng phối hợp triển khai các biện pháp tạo ra sự chuyển biến thực chất nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương, qua đó nâng cao tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam trong tổng thể thương mại Việt – Trung. 

Để thực hiện được điều đó, Thứ trưởng đề nghị hai bên trước hết cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, tăng cường mức độ thuận lợi hóa thông quan bao gồm: (i) Phát huy vai trò và tăng cường khai thác cặp cửa khẩu quốc tế ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung, nâng cao năng lực và hiệu quả vận tải đường sắt xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam; (ii) Đẩy nhanh tiến độ ký Hiệp định (Nghị định thư) xây dựng cầu đường bộ Bản Vược (Lào Cai) – Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc); (iii) Sớm hoàn thành các thủ tục nội bộ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở A Pa Chải (Trung Quốc là lối mở Long Phú) thành cửa khẩu song phương; mở lối mở Lũng Làn – Lộng Bình và cửa khẩu song phương Săm Pun – Điền Bồng.

Về việc mở rộng quy mô thương mại song phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Chính quyền tỉnh Vân Nam trước mắt tập trung triển khai các giải pháp mở rộng nhập khẩu thủy, hải sản từ Việt Nam, đưa các sản phẩm này trở thành “điểm tăng trưởng” trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Vân Nam. Việt Nam có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản trong khi Vân Nam tiếp giáp với Việt Nam, có nhu cầu cao với thủy hải sản nhưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam còn khiêm tốn. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị phía Vân Nam phối hợp, tạo thuận lợi và có giải pháp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam trong giai đoạn đầu thâm nhập, tìm kiếm thị trường Vân Nam và thông qua Vân Nam hướng tới các thị trường khu vực Tây Nam, Tây Bắc, Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Vân Nam nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để cửa khẩu đường sắt Hà Khẩu, cửa khẩu Thiên Bảo, cửa khẩu Kim Thủy Hà, sớm được phê duyệt là địa điểm quản lý giám sát nhập khẩu trái cây, lương thực chỉ định và nghiên cứu thí điểm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu gia công tại cửa khẩu (như mô hình Quảng Tây đang áp dụng) các loại nông sản, trái cây có tiềm năng như bưởi da xanh, dừa tươi, vú sữa… của Việt Nam thông qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Vân Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực và các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Công Thương đề nghị phía Vân Nam: (i) dành chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ dự Hội chợ Xuất nhập khẩu hàng hóa Côn Minh và Hội chợ Trung Quốc- Đông Nam Á, Nam Á về chi phí thuê gian hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam các thủ tục xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa phục vụ trưng bày tại Hội chợ; (ii) hỗ trợ nâng cao việc nhận diện thương hiệu của Việt Nam tại thị trường Vân Nam thông qua việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp có thương hiệu Việt Nam quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối và thương hiệu Việt Nam tại Trung Quốc đồng thời xây dựng được khu trưng bày sản phẩm đặc sắc của Việt Nam tại các thành phố lớn của Vân Nam hoặc tại Khu thí điểm thương mại tự do của Vân Nam.

Ngoài ra, được biết Chính quyền Trung ương Trung Quốc định vị xây dựng Vân Nam trở thành trung tâm lan tỏa hướng tới các nước Nam Á, Đông Nam Á, xây dựng Trung tâm gia công hàng hóa nhập khẩu và thị trường giao dịch hàng hóa biên giới, cụ thể với việc Vân Nam đang phát triển nhiều mô hình mới như Khu thí điểm mậu dịch tự do Vân Nam, Trung tâm thương mại quốc tế Vịnh Tân Loa Tư…, Bộ Công Thương đề nghị phía Vân Nam cung cấp thêm cho Việt Nam thông tin mô hình hoạt động của những địa điểm này để tỉnh Lào Cai có thể tham khảo xây dựng Khu thí điểm tại khu vực biên giới qua địa bàn Lào Cai – Vân Nam và đề nghị tỉnh Vân Nam xem xét dành ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là về kho bãi, gian hàng) để đưa hàng vào những hệ thống phân phối này.

Cũng tại Hội đàm, Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, từ tháng 3 năm 2023, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoàn toàn như trước Covid-19. Hiện nay, Lào Cai cũng đã áp dụng công nghệ nhận diện biển số xe Trung Quốc tự động, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa. Tuy nhiên, Sở Công Thương Lào Cai cũng cho biết, lưu lượng hàng hóa thông quan hiện nay chỉ đạt khoảng 400 công-te-nơ/ngày, rất thấp so với khoảng thời gian trước Covid-19. Phía Lào Cai cho biết, hiện đang trao đổi với Tổng cục Hải quan để xem xét xây dựng cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu tại Lào Cai và Lào Cai cũng đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để có thể hợp tác ngành nghề với phía Vân Nam, Trung Quốc.

Phản hồi những đề nghị của phía Việt Nam, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam chia sẻ đồng thuận cao với những đề nghị của Bộ Công Thương và đặc biệt bày tỏ mong muốn phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể để đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam bằng 60-70% kim ngạch thương mại Việt Nam – Quảng Tây. Về việc tạo thuận lợi hóa thông quan, Lãnh đạo tỉnh Vân Nam nhấn mạnh sẽ phối hợp để thúc đẩy các thủ tục sớm mở nâng cấp các cửa khẩu và đề nghị: (i) Thúc đẩy xây dựng cửa khẩu gương mẫu tại cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu, triển khai hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Lào Cai; (ii) Tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông vận tải kết nối các cửa khẩu biên giới với giao thông nội địa trong đó thúc đẩy tỉnh Hà Giang xây dựng hạ tầng đến cửa khẩu Thanh Thủy để phát triển logistics và quy mô thương mại. Về việc mở rộng quy mô thương mại song phương, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam cho biết, Vân Nam sẵn sàng phối hợp để mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Theo đó, bạn đề nghị phía Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu dược liệu đông y của Việt Nam vào Trung Quốc; mở rộng số lượng doanh nghiệp yến sào Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc và thúc đẩy thương mại mặt hàng cá tầm của Trung Quốc vào Việt Nam; tăng cường hợp tác về năng lượng mới và thương mại điện tử qua biên giới.

Nhân dịp chuyến thăm và làm việc tại Vân Nam, sáng ngày 23 tháng 4 năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tham dự Lễ Khai trương và tham quan Khu trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam do Phân khu doanh nghiệp thương mại quốc tế, Khu Thí điểm thương mại tự do Vân Nam (sau đây gọi là Phân khu) chủ trì tổ chức. Phân khu được xây dựng trên quỹ đất của Khu Thí điểm thương mại tự do của Chính quyền tỉnh Vân Nam, hoạt động theo mô hình “Chính phủ chỉ dẫn doanh nghiệp vận hành”. Hiện việc xây dựng và vận hành được giao cho Công ty trách nhiệm dịch vụ dịch vụ thương mại quốc tế Aosidi Côn Minh và Tập đoàn Sunwah phối hợp. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 412 doanh nghiệp đặt trụ sở tại phân khu, trong đó có 366 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, 29 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nhân lực xuyên quốc gia, 17 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các nước Đông Nam Á bắt đầu hợp tác với phân khu gồm có: Myanmar,  Lào, Thái Lan và Campuchia. Tham gia trưng bày lần này tại Khu gian hàng Việt Nam có các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống.. như các sản phẩm sữa của Tập đoàn TH, yến sào của Savinest, bánh kẹo của Công ty Hữu Nghị, trà hữu nghị Việt – Trung của Tập đoàn Sunwah, nước mắm Khải Hoàn, các sản phẩm socola của Công ty trách nhiệm hữu hạn Legandary Việt Nam... Tại lễ khai trương Khu trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã càm ơn Tập đoàn Sunwah và Công ty Aosidi đã xây dựng Khu gian hàng Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày tại Phân khu. Thứ trưởng cho biết đây mới chỉ là giai đoạn đầu hình thành và đi vào hoạt động của Phân khu và tin tưởng Phân khu sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp vào việc mở rộng quy mô thương mại Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Vân Nam nói riêng.

Ngoài ra, nhằm nghiên cứu mô hình hoạt động và học hỏi kinh nghiệm phát triển thương mại của Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương và đoàn công tác đã trực tiếp đi khảo sát và làm việc tại Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới tại Hà Khẩu, cửa khẩu thông minh tại Bắc Sơn và Trung tâm phân phối trái cây Kim Mã tại thành phố Côn Minh. Tại các địa điểm khảo sát, Thứ trưởng đã trực tiếp nghe đại diện của các địa điểm báo cáo về cách thức vận hành và định hướng phát triển của các địa điểm và đã trao đổi trực tiếp đặt câu hỏi về quá trình triển khai vận hành tại các địa điểm. Bên cạnh chương trình làm việc chính thức của Thứ trưởng, các đơn vị của Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với các đơn vị đầu mối của Chính quyền Vân Nam về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế tổ chức tại Vân Nam vào tháng 4 năm 2024 và các công việc cụ thể khác.

Đoàn công tác đi Vân Nam, Trung Quốc của Bộ Công Thương đã thành công tốt đẹp, thu được những kết quả thiết thực, cụ thể. Phía Vân Nam đã dành cho đoàn công tác sự đón tiếp trọng thị và chu đáo. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành và địa phương Việt Nam triển khai các công việc cụ thể nhằm mở rộng quy mô thương mại Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và phát huy hơn nữa vai trò cửa ngõ biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt là vai trò trung tâm lan tỏa của Vân Nam tới các địa phương phía Tây Nam và Tây Bắc của Trung Quốc.


Nguồn:Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website