Họp Tổ Biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại
Tại Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định).
Triển khai công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, ngày 12 tháng 04 năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp Tổ Biên tập xây dựng Nghị định lần thứ nhất. Tham dự cuộc họp có tương đối đầy đủ các thành viên Tổ Biên tập, đại diện các Bộ ngành, cơ quan liên quan. Trong đó có đại diện các đơn vị như: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật quốc tế), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); và các đơn vị trong thuộc Bộ Công Thương như: Vụ Pháp chế; Cục Xuất nhập khẩu…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ Biên tập đã thông qua những nội dung cụ thể như: Sự cần thiết ban hành Nghị định; Kế hoạch xây dựng; Đề cương Nghị định và 06 nhóm vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung.
Các thành viên Tổ Biên tập xây dựng Nghị định đã tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Nghị định để phù hợp với pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, pháp luật về phòng vệ thương mại; phương án sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trên thực tiễn áp dụng; quy định về thủ tục hành chính đối với việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trả đũa trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tổ Biên tập đã nhất trí thông qua đối với các đề xuất của Cơ quan chủ trì soạn thảo đối với 06 nhóm vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung và những vấn đề kỹ thật khác. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Tổ Biên tập và các bên liên quan, Tổ Biên tập sẽ tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo 01 Nghị định, gửi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp lấy ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định. Các ý kiến góp ý là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.