Doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam đang tăng nhanh, là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô. Với những chính sách mới đã có hiệu lực, cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy, dây chuyền lắp ráp, ngành ô tô Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, từng bước bắt kịp xu thế toàn cầu, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong đầu tư, sản xuất ô tô trong nước.
Những chính sách mới của Chính phủ, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ rệt, tất cả đang cho thấy bức tranh sáng hơn của công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất các bộ phận linh kiện về điện của ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô đã tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 12% vào năm 2018 đã lên 25% vào năm 2023. Đồng thời, xu thế của các doanh nghiệp là gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì tập trung vào linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất xe có động cơ tháng 8/2024 ước tính tăng 3,5% so với tháng 7/2024 và tăng 29,5% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn so với mức tăng trưởng 6,4% của 7 tháng đầu năm 2024).
Trong 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng nhóm sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023 như: Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ ước đạt 78,84 triệu bộ, tăng 8,97%; Thiết bị khác dùng cho động cơ của xe có động cơ đạt 35,38 triệu cái, tăng 11,69%; Phụ tùng khác của xe có động cơ đạt gần 990,51 triệu cái, tăng 32,13%...
Bảng 1: Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô và ô tô tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024
Sản phẩm | ĐVT | Tháng 8/2024 | So với tháng 7/2024 (%) | So với tháng 8/2023 (%) | 8 tháng năm 2024 | So với 8 tháng năm 2023 (%) |
Các sản phẩm CNHT ngành ô tô | ||||||
Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ | Bộ | 10.474.789 | 5,58 | 8,08 | 78.843.982 | 8,97 |
Thiết bị khác dùng cho động cơ của xe có động cơ | Cái | 4.667.194 | 8,29 | 10,32 | 35.375.905 | 11,69 |
Phụ tùng khác của xe có động cơ | 1000 cái | 143.115 | 14,64 | 51,77 | 990.510 | 32,13 |
Các sản phẩm khác | ||||||
Xe có động cơ chở được từ 10 người trở lên chưa được phân vào đâu | Chiếc | 2.795 | 84,49 | -16,24 | 20.315 | -16,14 |
Xe có động cơ chở dưới 10 người, có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện với dung tích xi lanh > 1500 cc và ≤ 3000 cc | Chiếc | 12.560 | 24,98 | 44,10 | 71.965 | 12,23 |
Xe có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén chở được từ 10 người trở lên với tổng trọng tải > 6 tấn và < 18 tấn | Chiếc | 4.126 | -18,09 | -43,63 | 37.915 | 21,12 |
Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa > 5 tấn và < 20 tấn | Chiếc | 778 | 72,12 | -5,93 | 4.830 | -28,03 |
Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa 5 tấn | Chiếc | 3.377 | -20,07 | -7,29 | 27.331 | -12,13 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu sơ bộ của các Cục Thống kê
Nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và 150 nhà cung cấp cấp 2,3. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô. Các doanh nghiệp đang tập trung phát triển những sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp hoặc linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…, tổng cộng 287 chi tiết, cụm chi tiết, đạt tỷ lệ khoảng 20%. 80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện, với hàng trăm bộ phận bán dẫn cùng khoảng 1.400 loại chip trên xe. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô của Việt Nam, do đó cũng thấp hơn so với các quốc gia đi trước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65-70%).
Ngoài tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Cục Công nghiệp cho biết, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô nước ta nói chung và công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ô tô nói riêng được nhận định vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Ảnh minh họa
Nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất
Để cải thiện năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, Bộ Công Thương thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác phát triển, các Tập đoàn, công ty đa quốc gia.
Hợp tác với Nhật Bản, trong 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, hai bên đã thống nhất thành lập thêm tổ công tác số 9 nhằm hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Năm 2022, trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, tổ công tác đã thống nhất “Kế hoạch hành động hợp tác” thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; chương trình đào tạo các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô; và hỗ trợ nâng cao năng lực các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Trong đó, việc Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam cùng đồng hành và thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành ô tô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác.
Sau 4 năm triển khai (2020-2023), các hoạt động hợp tác đã đạt nhiều kết quả đáng kể như triển khai đào tạo cải tiến sản xuất và tư vấn hiện trường cho hơn 60 nhà cung cấp mới; Tổ chức các chuyến đi đến nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp; Hỗ trợ thành công 2 nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn 5S mức 3 và từng bước hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, thông qua các hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương, Toyota Việt Nam đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng. Đến nay, Toyota đã trở thành 1 trong những doanh nghiệp có số lượng nhà cung cấp nội địa nhiều nhất tại Việt Nam, với số lượng 13 nhà cung cấp nội địa trên tổng số 60 nhà cung cấp. Tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.
Nhằm lan tỏa những kết quả này, năm 2024, Cục Công nghiệp và Công ty Toyota Việt Nam tiếp tục khởi động Chương trình Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên.
Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn tại hiện trường cho 05 doanh nghiệp Việt Nam gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại SIGMA VIỆT NAM; Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa An; Nhà máy Z131; Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam.
Chương trình đặt mục tiêu nâng cao năng lực và tăng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần vào sự phát triển của ngành Công nghiệp cơ khí, tự động hóa cũng như ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Cụ thể, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại. Sau đó, cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được, hy vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp.
Chương trình đặt mục tiêu nâng cao năng lực và tăng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần vào sự phát triển của ngành Công nghiệp cơ khí, tự động hóa cũng như ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Cụ thể, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại. Sau đó, cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Kết quả đạt được trong những năm gần đây là nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như: Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng đầu tư sản xuất ở quy mô lớn. Nhiều dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư lớn được thực hiện tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thể khẳng định, ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.
Cần giải pháp khuyến khích đồng bộ và đột phá
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam rất có tiềm năng, nhờ quy mô dân số 100 triệu người và thu nhập bình quân ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất ra những linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những vấn đề chính là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng.
Về phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, đại diện VAMA cho rằng, để sản xuất, lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện. Các linh kiện xe ô tô bao gồm: Linh kiện kim loại (thân xe, động cơ...), linh kiện cao su nhựa (cản xe, trang bị nội thất xe...), linh kiện sợi vải (ghế nỉ...) và linh kiện điện tử... Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi một nền tảng công nghiệp lớn.
Sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: Những hoạt động có giá trị cao, được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI và những thương hiệu lớn trong nước; còn các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần phải thúc đẩy khu vực này chuyển đổi toàn diện, từ mục đích đến quy trình và nhân lực. Phải đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi xanh. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại.