A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp ngoại tăng rót vốn vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... được doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vốn mạnh thời gian qua.

Nhiều dư địa phát triển

11 tháng đầu năm, Nghệ An đã thu hút thành công hơn 1 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào các dự án trên địa bàn, lọt Top 6 địa phương thu hút vốn đầu tư lớn nhất cả nước. Trong đó, dòng vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, có 4 dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có giá trị hàng trăm tỷ USD

Mới đây, nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD (Tập đoàn Foxconn), chính thức đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp WHA cùng dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam do Everwin Precision Hong Kong Company Limited đầu tư.

Hay như Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, đã đầu tư hơn 400 triệu USD. Hiện dự án đang trong quá trình điều chỉnh chứng nhận đầu tư.

Còn tại Hà Nội - địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Vũ Duy Tuấn, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023 Hà Nội thu hút 2,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó riêng Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 861,5 triệu USD. Tổng số dự án đang hoạt động là 245 dự án, đứng thứ 11 về đầu tư FDI tại Hà Nội… trong đó chủ yếu là dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.

Các nhà đầu tư đánh giá rất cao về lợi thế của Hà Nội trong việc thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn. Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), Hà Nội hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.930ha. Hiện, 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển vào giai đoạn tới.

Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam cho biết, đơn vị đã có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với lĩnh vực bán dẫn, VinaCapital đánh giá Hà Nội nhận đang được sự quan tâm và đánh giá cao của nhiều nhà đầu tư. Thời gian tới, VinaCapital sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp FDI để xúc tiến đầu tư lĩnh vực này tại Hà Nội.

Làn sóng chuyển dịch của doanh nghiệp FDI sẽ mạnh mẽ hơn

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip) được thành lập đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan.

Điển hình, ngay sau khi thành lập, nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe, Nhật Bản đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất linh kiện công nghệ cao tại đây, điển hình là chuỗi tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện hàng không, vũ trụ, robot.

Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.

Ông Jon Lilja, Giám đốc cấp cao Bộ phận kinh doanh chuỗi cung ứng châu Á, cho biết: "Công ty của chúng tôi đã đến thăm các công ty của Việt Nam, để hiểu được các công ty của Việt Nam làm việc như thế nào và cần điều gì, từ đó chúng tôi cũng biết được làm thế nào để phát triển các công ty ở Việt Nam".

Ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga, Nhật Bản, cũng cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ của Việt Nam phát triển sản xuất, như với dự án hợp tác này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sản xuất được những linh kiện công nghệ cao như linh kiện cho máy bay".

Trong khi đó, ông Yeh Li-Cheng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan) cũng lựa chọn Hansip để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. “Việc lựa chọn Hanssip là một bài tính rất chi tiết. Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và đã trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của Thủ đô...”, ông Yeh Li-Cheng nhận xét.

Có thể thấy, những năm gần đây, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm”.

Cũng theo ông Okada Hideyuki, trong xu hướng đầu tư mới của Nhật Bản, phần lớn doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động…

Để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã thành lập một đơn vị hỗ trợ hoạt động phi lợi nhuận. Đơn vị này sẽ cùng các doanh nghiệp FDI giải quyết các thủ tục, giấy phép đầu tư, xây dựng, bên cạnh đó là hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn.

"Để cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định ở Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cầm phải phát triển, đó là điều kiện hết sức quan trọng và then chốt. Để thực hiện việc đó, cộng đồng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước chuyển mình tích cực, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có thể sản xuất được các sản phẩm tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu", ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, nhận định.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có giá trị hàng trăm tỷ USD, kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước, cùng với đó là đảm bảo thành công hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website