A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sự chủ động của các địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Cùng với việc mở rộng kết nối giao thương thông qua các triển lãm với sự tham gia của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhiều địa phương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như chuẩn bị trước hạ tầng, đầu tư các khu công nghiệp chuyên dụng cho các doanh nghiệp FDI cũng như công nghiệp hỗ trợ đến “làm tổ”.

Tập trung phát triển lĩnh vực trọng tâm

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù các doanh nghiệp (DN) nội địa đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, từ năm năm 2022 đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Chẳng hạn, với ngành dệt may - da giày ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực nguyên liệu (sợi, vải, vải giả da), vật liệu và phụ liệu (như chỉ may, nút, nhãn mác, băng chun, đế giày…) phục vụ ngành dệt may - da giày, đảm bảo chủ động trong sản xuất nội địa và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Phát triển CNHT ngành dệt may - da giày dựa trên cơ sở phân loại, chọn lọc dự án (chú trọng liên kết, phân công sản xuất giữa các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng sông Hồng), đảm bảo quy hoạch bố trí không gian lãnh thổ hợp lý để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển công nghiệp bền vững và hiệu quả.

Đối với công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo có chất lượng cao; liên kết với các vùng nông nghiệp và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm CNHT theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Trên thực tế, thời gian qua để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNHT phát triển, Cục Công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương) nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước. Đồng thời, phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các DN trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.

Vai trò quan trọng của các địa phương

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển CNHT của Chính phủ và Bộ Công Thương, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi trên cơ sở tận dụng các thế mạnh về hạ tầng công nghiệp và phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chính của địa phương mình.

Có thể thấy, vai trò của địa phương cũng đang ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT bằng nhiều chính sách ưu đãi.

Đơn cử, tại Đồng Nai đưa ra chỉ tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp lên 40% vào năm 2030. Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ hỗ trợ các DN đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi công nghệ. Đồng Nai hiện có lợi thế là hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Do đó, nếu làm tốt công tác kết nối DN của từng ngành sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đáng kể, vì nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào cho sản xuất của DN khác.

Tỉnh Đồng Nai đánh giá, nhu cầu về nguồn nguyên liệu ở thị trường nội địa của các DN nước ngoài trên địa bàn để giảm nhập khẩu là rất lớn. Vì vậy, các DN trong nước có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, gia tăng các phương án kết nối để có thể nâng dần tỷ lệ đáp ứng.

Vì vậy, trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Song song với thu hút các dự án lớn, tầm cỡ, tỉnh Đồng Nai cũng ưu tiên hàm lượng công nghệ phải cao và có thể tạo ra được chuỗi kết nối đối với các DN trong nước. Các dự án thu hút đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến tăng dần qua các năm và mục tiêu đạt 100% vào năm 2030.

Hay tại Đà Nẵng, ông Lê Hoài Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương maị và Dịch vụ Huỳnh Đức cho biết, thời gian qua, công ty nhận được nhiều hỗ trợ của thành phố như vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và có các chính sách hỗ trợ khuyến công phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều DN cơ khí khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất cũng như thiếu chuỗi liên kết để phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như mặt bằng sản xuất cho DN địa phương.

Bên cạnh hỗ trợ từ cơ quan quản lý, ông Đức cho rằng DN cũng cần nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới, phát triển chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý.

Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, bên cạnh những chính sách chung của Trung ương, địa phương cần tập trung hỗ trợ một số DN trong các ngành công nghiệp trọng điểm như ngành ô-tô, điện, điện tử, dệt may, da giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các DN CNHT  trong vùng phát triển theo.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp trong khu vực để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong đầu tư, phát triển sản phẩm phù hợp; có chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị, áp dụng các mô hình quản lý thông minh.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website