A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ: Kết nối, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp

Trong 06 năm triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (từ 2018-2023), Bộ Công Thương đã thẩm định và phê duyệt 306 đề án.

6 năm - 306 đề án công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt

Báo cáo của của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, trong 06 năm triển khai Chương trình (từ năm 2018 đến năm 2023), Bộ Công Thương đã thẩm định và phê duyệt 306 đề án, tập trung vào các hoạt động chính bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

Việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các năm vừa qua đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan và tạo tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội. Các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Theo Cục Công nghiệp, sau khi tham gia các hoạt động hỗ trợ của Chương trình, doanh nghiệp đã thực sự có sự thay đổi, chuyển mình theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp có khả năng tăng năng suất và hiệu suất sản xuất. Đồng thời, cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới.

Chương trình đã hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế.

Đặc biệt với việc quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ đã thúc đẩy tăng cường liên kết đối với những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngành công nghiệp hỗ trợ còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Khi các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm, đồng nghĩa với việc không còn phải nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu, từ đó sẽ có tác động hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời giảm được tình trạng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tự động nó sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa.

Công tác truyền thông - hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

Theo Cục Công nghiệp, hiện Bộ Công Thương đang được Trung ương tin tưởng giao trọng trách khẩn trương xây dựng để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới Luật Công nghiệp trọng điểm. Khi Luật này được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.

Ngoài ra, việc triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai,… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, công tác truyền thông, thông tin về công nghiệp hỗ trợ phủ sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, truyền tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là kênh thông tin để các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chia sẻ về các khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành. Từ đó, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, để nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các giải pháp xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mang tính cốt lõi. Đó là những giải pháp về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực…

“Những giải pháp vì mục tiêu dài hạn này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững”- ông Phạm Tuấn Anh nói.


Tác giả: Duy Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website