A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản

Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ có cơ hội giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022, diễn ra từ ngày 05-06/7/2022.

Sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp đồng tổ chức, nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh, liên kết sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Tham gia hội nghị, ngoài việc tìm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn có điều kiện tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng Nhật Bản để phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, việc tổ chức chương trình giao thương theo phương thức trực tuyến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam duy trì sự kết nối và phát triển các cơ hội xuất khẩu với các đối tác tiềm năng Nhật Bản.

Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Tuy nhiên, năng suất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài…

Nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Bộ Công Thương triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại liên tục tổ chức các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là những cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam giao thương với doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó tìm kiếm khách hàng tiềm năng để hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp hỗ trợ sang thị trường quan trọng này.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website