Khuyến công Đà Nẵng: Chặng đường 20 năm phát triển công nghiệp nông thôn
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Phát triển công nghiệp nông thôn không chỉ trực tiếp góp phần phát triển ngành công nghiệp nói chung mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập ở nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Nhiều kết quả tích cực
Ngày 21/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công. Tiếp theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn đưa chính sách ngày càng đi vào cuộc sống. Để cụ thể hóa chính sách khuyến công tại địa phương, thành phố Đà Nẵng cũng ban hành các văn bản quy định chính sách khuyến công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, năm 2020, UBND thành phố trình HĐND ban hành Nghị Quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 quy định chính sách khuyến công và phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch theo hướng phù hợp với các quy định mới và điều kiện cụ thể của địa phương.
Hoạt động khuyến công thành phố Đà Nẵng trong 20 năm qua luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, sự quan tâm của UBND thành phố Đà Nẵng và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan. Nhờ đó, công tác khuyến công của Đà Nẵng được triển khai thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giai đoạn 2012 - 2022 hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đến với gần 200 lượt cơ sở CNNT (khoảng 78 lượt DNNVV, 56 lượt HTX, 66 lượt HKD) với tổng kinh phí hơn 19,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hơn 9,03 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương hơn 10,37 tỷ đồng, đồng thời thu hút 86,24 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố, tập trung vào phát triển CNNT. Các chương trình khuyến công 2012 - 2022 đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu CNNT theo định hướng, tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Các cơ sở CNNT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thực sự được hỗ trợ hiệu quả, qua đó nâng cao năng lực, sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP từ 3-5 sao…
Để triển khai hiệu quả công tác khuyến công trên địa bàn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại thành phố Đà Nẵng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trung tâm có chức năng cung cấp các dịch vụ công, các dịch vụ của hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, là đơn vị tư vấn và là người bạn đồng hành của các cơ sở CNNT. Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, động viên, khích lệ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở CNNT mạnh dạn tham gia chương trình khuyến công, đầu tư mở rộng quy mô, hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm lợi thế địa phương
Giai đoạn 2012 - 2022 đất nước và thế giới có nhiều biến động về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các năm từ 2020 - 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung chịu tác động bởi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng và chịu tác động từ những bất ổn về chính trị, quân sự căng thẳng, kéo dài trên thế giới… ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn thành phố. Nhưng dưới sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, hoạt động khuyến công của thành phố Đà Nẵng vẫn được triển khai hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT như: tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ áp dụng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hoạt động khuyến công kịp thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ sản xuất những sản phẩm mang tính lợi thế của địa phương như chế biến nông, lâm sản, thủy hải sản, các sản phẩm lưu niệm, gỗ mỹ nghệ, điêu khắc đá,... từng bước tổ chức có hiệu quả, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở CNNT, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí khuyến công quốc gia còn hạn chế nên số doanh nghiệp được hỗ trợ còn khiêm tốn. Do vậy, việc TP. Đà Nẵng chủ động kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia công tác khuyến công, cũng như lựa chọn những ngành nghề đang có lợi thế, khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống trong quá trình thực hiện công tác khuyến công là hướng đi đúng, giúp CNNT phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Chương trình khuyến công đã tạo bước chuyển quan trọng trong việc phát huy ngành nghề truyền thống và CNNT nói chung ở Đà Nẵng. |