A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Công Thương thành phố Cần Thơ chủ động đổi mới – vững vàng phát triển

Để định hướng và tạo điều kiện phát triển “thành phố trẻ” Cần Thơ, ngày 17/02/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu từ nội tại, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương để thực hiện nhiệm vụ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp chế biến…; trong đó có Bộ Công Thương và sự định hướng của Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương) đối với các quy hoạch của ngành.

Xứng tầm là một “cực” phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng, ngành Công Thương thành phố Cần Thơ cần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể:

Phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thành phố ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Ngành Công Thương thành phố nỗ lực trong hoạt động quảng bá, kết nối hàng Việt theo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua hoạt động kết nối giữa các cơ quan của Bộ Công Thương, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan... qua đó, kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường phát triển đến nay kinh tế thành phố nói chung và các chỉ tiêu của ngành Công Thương nói riêng, đã ghi nhận nhiều kết quả đáng kể trong việc ưu tiên quy hoạch 06 cụm công nghiệp phát triển nổi bật như: hạ tầng cụm công nghiệp, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch đúng hướng với cơ cấu kinh tế năm 2022: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,48%; khu vực dịch vụ chiếm 52,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,95%, sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, ứng dụng sản xuất sạch hơn; công tác khuyến công góp phần giá trị sản xuất công nghiệp liên tục có sự gia tăng. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016-2020: duy trì mức tăng bình quân 7,25%/năm.

Hoạt động thương mại có bước phát triển mạnh, hàng hóa lưu thông thông suốt, nguồn hàng dồi dào, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân với 109 chợ truyền thống, 03 siêu thị, 02 trung tâm thương mại và 142 cửa hàng tiện ích với tổng vốn đầu tư ước trên 3.197 tỉ đồng từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần duy trì tổng mức hàng hóa bán lẻ trên địa bàn luôn đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh những thành tựu của ngành cũng còn những tồn tại, hạn chế: Doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, nguồn vốn ít, khả năng tiếp cận vốn hạn chế; Công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ trang thiết bị máy móc; Hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cảng, dịch vụ Logistic chưa đồng bộ, dẫn đến tính  cạnh tranh thấp, chi phí cao, chuyển đổi số còn chậm, công tác thu hút các dự án mang tính vùng chưa đạt kế hoạch đề ra; nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng; các dự án điện gặp khó khăn.

Để tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được của Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Cần Thơ hướng đến mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 05/8/2020  Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 30/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 59 -NQ/TW; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; ngành Công Thương thành phố đã đề ra các giải pháp:

Về Thương mại: Phát triển thương mại phù hợp với định hướng phát triển thương mại của vùng và của cả nước, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho…). Phát triển thương mại, chú trọng những lĩnh vực thương mại liên quan tới công nghệ mới, đảm bảo hiệu quả xã hội, quốc phòng và an ninh.

Về công nghiệp: Tập trung tái cơ cấu sản xuất công nghiệp đặt trong mối quan hệ tổng thể với tái cơ cấu kinh tế của thành phố hài hòa với các ngành kinh tế khác. Phát triển công nghiệp theo phương châm nội lực là quyết định, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia. Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong các ngành sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Về năng lượng: Ngành điện là ngành kinh tế có lợi thế, phát triển hạ tầng điện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phát triển hạ tầng và cung cấp năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng. Ưu tiên tài nguyên năng lượng tái tạo, đảm bảo tiếp cận thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Về công tác thu hút đầu tư: Tập trung thu hút đầu tư các dự án tạo động lực và mang tính vùng như Cụm nhiệt điện Ô Môn, Trung tâm Logistics hạng II Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Chợ đầu mối nông sản.

Với sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Công Thương, sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương Cần Thơ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của thành phố và của ngành Công Thương Việt Nam trong thời gian tới.

 


Nguồn:Cục Công Thương địa phương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website