Sở Công Thương Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp
Trong suốt 20 năm qua, từ khi được thành lập, Cục Công Thương địa phương đã thường xuyên có những chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ ngành Công Thương địa phương nói chung, ngành Công Thương Thái Bình nói riêng trong việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương, đặc biệt trong việc thúc đẩy các hoạt động khuyến công và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công (sau đây gọi tắt là Nghị định), Cục Công Thương địa phương đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ ngành Công Thương Thái Bình triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định; hướng dẫn đăng ký và triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công quốc gia. Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị định, thông qua các chương trình khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp cho 15.520 lao động; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, tăng cường khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất công nghiệp nông thôn với 3.593 người tham dự; hỗ trợ 10 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 520 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ 07 Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 07 cụm công nghiệp;…
Các hoạt động khuyến công đã góp phần huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo mục tiêu, định hướng của tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề bảo tồn phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới, mở rộng sản xuất đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Về phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Cục Công Thương địa phương đã có những hướng dẫn, góp ý trong việc thực hiện hiệu quả các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển cụm công nghiệp. Đặc biệt trong việc xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ). Phương án đã được UBND tỉnh Thái Bình báo cáo Bộ Công Thương thống nhất thỏa thuận; theo Phương án, tỉnh Thái Bình có 66 cụm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2030 là 4.177,97 ha. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 46 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 2.508 ha, có 44 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.794 ha; có 35 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 41,3%, tỷ lệ lấp đầy đất thu hồi đạt 66,6%. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 417 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 30.129 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 82.908 người; hiện có 309 dự án đi vào sản xuất, 48 dự án đang xây dựng, 33 dự án chưa xây dựng, 27 dự án ngừng hoạt động; vốn đầu tư thực hiện đạt 21.662 tỷ đồng (đạt 71,9% vốn đăng ký), sử dụng 54.752 lao động. Công tác thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp thời gian qua tăng nhanh cả về chất lượng và số lượng, cơ bản các cụm công nghiệp đều có nhà đầu tư hạ tầng được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đăng ký xin nghiên cứu đầu tư.
Ngành Công Thương Thái Bình mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Thái Bình tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp. |