Ngành gốm sứ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể sau 10 năm triển khai Quy hoạch phát triển ngành gốm sứ - thủy tinh
Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam vào năm 2014 đến nay, ngành gốm sứ Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, công nghệ sản xuất, giúp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gốm sứ, không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.
Gốm sứ là ngành công nghiệp truyền thống của dân tộc Việt Nam với lịch sử phát triển lâu đời. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cho đến nay, ngành gốm sứ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó, với ngành gốm sứ xây dựng, tổng công suất thiết kế gạch ốp lát hiện ở mức 850 triệu m2, sứ vệ sinh 26 triệu sản phẩm. Với ngành gốm sứ mỹ nghệ, sản xuất ngành hàng có quy mô lên đến 5.400 làng nghề và trải rộng khắp cả nước. Trong số này, gần 2.000 là làng nghề truyền thống với 115 nghề đã được công nhận.
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trường nước, sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, EU, Thái Lan… Trong giai đoạn 2019 -2023, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất vào năm 2022 là 711 triệu USD, tuy nhiên đã giảm 13% trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam sang nhiều thị trường trong giai đoạn 2019 - 2023 có xu hướng tăng như: Mỹ tăng 7,4%/năm, Nhật Bản tăng 6,7%/năm, Đài Loan tăng 13,6%/năm, Thái Lan tăng 3,6%/năm, Philippin tăng 10,5%/năm… Cơ cấu chủng loại gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng ở nhiều chủng loại trong giai đoạn 2019 - 2023 như gốm sứ vệ sịnh tăng 0,9%/năm; gạch lát nền, ốp tường các loại tăng 12,5%/năm; đồ gốm sứ dùng trong phòng thí nghiệm tăng 9%/năm; gạch chịu lửa và các sản phẩm gốm sứ xây dựng chịu lửa khác tăng 7,3%/năm; bộ đồ ăn, đồ nhà bếp và đồ gia dụng bằng sứ tăng 14,9%/năm; gốm sứ chịu lửa khác tăng 13,8%/năm… Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đã phục hồi trở lại và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam vào năm 2014 đến nay, ngành gốm sứ Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, công nghệ sản xuất, giúp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gốm sứ, không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.
Tuy vậy, ngành gốm sứ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gốm sứ xây dựng như thiếu nguyên liệu sản xuất; giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá sản phẩm cuối cùng không tăng; thị trường bất động sản trong nước trầm lắng; thị trường xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay ở thị trường nội địa và xuất khẩu, các thị trường ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe…
Trong dài hạn, ngành gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm… Trong đó, nhu cầu về sản phẩm gốm sứ, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ cao cấp và nghệ thuật, đang gia tăng trên toàn cầu. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN đều có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ chất lượng. Ngoài ra, sự gia tăng trong tiêu dùng sản phẩm gốm sứ cho trang trí nội thất và quà tặng đang thúc đẩy nhu cầu trên các thị trường quốc tế… Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế, như: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh… giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam thường xuyên cung cấp các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và đào tạo, đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại do chính phủ tổ chức giúp doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, tham gia triển lãm quốc tế và xây dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm sứ, Việt Nam cần chú trọng vào một số giải pháp sau:
+ Nâng cao chất lượng sản phẩm: Cải tiến công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường.
+ Đa dạng hóa mẫu mã và sản phẩm: Tạo ra nhiều mẫu mã và kiểu dáng phong phú để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau.
+ Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu: Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gốm sứ Việt Nam.
+ Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động trong ngành gốm sứ, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
+ Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu: Nghiên cứu và mở rộng thị trường mới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ.
+ Tăng cường hợp tác quốc tế: Xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, đồng thời tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để tận dụng các ưu đãi về thuế quan.
+ Chú trọng yếu tố văn hóa và bản sắc: Kết hợp yếu tố văn hóa và bản sắc dân tộc vào sản phẩm để tạo ra giá trị đặc biệt và sự khác biệt trên thị trường quốc tế.
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử: Tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến và công nghệ số để tiếp cận thị trường và khách hàng quốc tế một cách hiệu quả hơn.