A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắp diễn ra chuỗi Triển lãm về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 9 tại Hà Nội (SIE 2021) và Triển lãm Quốc tế Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam năm 2021 (VME 2021), dự kiến diễn ra từ ngày 15-17/9/2021.

Sáng ngày 2/7/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO Hà Nội) và Công ty Reed Tradex Việt Nam tổ chức buổi Họp báo và Lễ Ký kết trực tuyến Thỏa thuận hợp tác (MOU) để đồng tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 9 tại Hà Nội (SIE 2021) và Triển lãm Quốc tế Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam năm 2021 (VME 2021), dự kiến diễn ra từ ngày 15-17/9/2021 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

SIE 2021 và VME 2021 dự kiến sẽ có quy mô trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia. Những sản phẩm được trưng bày tại triển lãm bao gồm linh kiện, phụ tùng cho ngành ô tô/xe máy, điện/điện tử, máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm cơ khí, nhựa, khuôn mẫu, mạ, đóng gói…

Tham gia SIE 2021, phía Nhật Bản sẽ có trên 20 doanh nghiệp đại điện của bên mua là các nhà sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản và gần 50 gian hàng đại diện của bên bán là các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực máy móc băng tải vận chuyển, điện, điện tử và lĩnh vực sản xuất gia công (dập, khuôn, gia công mạ).

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp có năng lực đã được đăng tải trong “Tuyển tập doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo” của JETRO…

Giới thiệu về điểm mới của SIE 2021, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Văn phòng tại Hà Nội cho biết, Ban tổ chức sẽ thực hiện những thử nghiệm mới cho triển lãm năm nay. Triển lãm diễn ra dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với hình thực trực tuyến, khách tham quan có thể tham quan gian hàng, kết nối trao đổi đàm phán với các doanh nghiệp tham gia. Do vậy, trong bối cảnh hạn chế về việc đi lại, các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác đều có thể tham gia Triển lãm quốc tế này.

Tại Triển lãm, Ban tổ chức sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc và thực hiện sắp xếp kết nối thương mại trước với doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời cân nhắc đến nội dung trao đổi đàm phán của những doanh nghiệp tham gia Triển lãm để nâng cao tỷ lệ thành công cho các cuộc đàm phán. 

Đánh giá cao tầm quan trọng của SIE 2021, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh, CNHT đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. BộCông Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ phát triển đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất CNHT. Trong đó, việc tổ chức SIE 2021 có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. 

Triển lãm Công nghiệp Hỗ  trợ Việt Nam - Nhật Bản 2021 được tổ chức với mục đích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản và cải thiện việc cung ứng linh kiện, phụ tùng. Trung bình tại các kỳ triển lãm trước được tổ chức ở Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia với hơn 5000 cuộc đàm phán thương mại, tổng giá trị của hợp đồng, thỏa thuậnđạt hàng chục triệu USD.

Cũng ngay trong chiều cùng ngày, Cục XTTM cũng đã phối hợp với JETRO Hanoi và Reed Tradex đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến CNHT Việt Nam 2021 với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội & thánh thức hậu Covid-19”.

Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã cung cấp cho các doanh nghiệp hai nước những thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp CNHT.  

Ông Vũ Bá Phú cho biết, năm 2020, khi dịch bệnh Covid 19 bùng nổ, ngành công nghiệp Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 6/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Năm 2030, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ đặt ra, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới. 

Cũng tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VELA) đã chia sẻ với các doanh nghiệp CNHT ngành điện tử về việc tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid 19.

Bà Phạm Liên Anh, cán bộ Chương trình cao cấp, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC – ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam cũng đưa ra một số biện pháp để phát triển doanh nghiệp cung ứng trong bối cảnh hậu Covid 19 và trao đổi với các doanh nghiệp về vai trò của chuyển đổi số. 

Từ góc nhìn của chuyên gia tư vấn thuế, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Công ty Deloitte Việt Nam cũng cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cập nhật về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ dành cho doanh nghiệp CNHT.

Những thông tin hữu ích được chia sẻ tại diễn đàn đã giúp cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam nắm bắt được xu hướng cũng như cách thức để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website