Điện hạt nhân có giúp Pháp thoát khỏi áp lực nhập khẩu năng lượng?
Để giành lại vị trí hàng đầu của ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới, đâu là thách thức Pháp sẽ phải vượt qua? Liệu điện hạt nhân có thể “giải phóng” nước Pháp khỏi áp lực nhập khẩu năng lượng?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/ TTXV
Là nguồn sản xuất điện hạt nhân thứ hai của thế giới, nhưng tháng 9/2021 Pháp bất ngờ bị Trung Quốc soán ngôi. Sáu tháng sau, Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch “đầy tham vọng”, đánh cược vào các lò phản ứng modul nhỏ SMR và lò phản ứng nguyên tử thế hệ mới EPR để khôi phục lĩnh vực điện hạt nhân - chìa khóa để tự chủ về năng lượng.
Ngày 10/2, ông Macron trình bày chiến lược năng lượng cho nửa đầu thế kỷ XXI để đạt nhiều mục tiêu cùng một lúc: giảm khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt), tránh để căng thẳng về địa chính trị đe dọa trực tiếp đến "cỗ máy" sản xuất và kinh tế của Pháp.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là, vì sao Pháp là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực điện hạt nhân nhưng đã bị nhiều quốc gia khác vượt qua. Để giành lại vị trí hàng đầu của ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới, đâu là những thách thức Pháp sẽ phải vượt qua? Liệu điện hạt nhân có thể “giải phóng” nước Pháp khỏi áp lực nhập khẩu năng lượng?
Năm 2021 khi cỗ máy sản xuất và tiêu thụ của thế giới khởi động trở lại với nhịp độ ngoài mong đợi, đó cũng là thời điểm giá năng lượng toàn cầu bị đẩy lên cao. Vì những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và châu Âu - Mỹ, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tuy đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động, chưa thể đưa khí đốt của Nga sang Tây Âu. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi là OPEC+, tập hợp các nhà xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới bị cáo buộc giới hạn nguồn cung để giữ giá dầu ở mức cao.
Bối cảnh quốc tế đó càng hối thúc Pháp đưa ra một chiến lược về năng lượng. Chính quyền của Tổng thống Macron đánh cược vào điện hạt nhân dù biết đây là bài toán nan giải. Pháp dự tính xây dựng thêm tổng cộng 14 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR từ nay đến năm 2050.
* Nhu cầu năng lượng cấp bách
Năng lượng hạt nhân hiện bảo đảm 70% nhu cầu điện của Pháp. Trên toàn quốc có tổng cộng 56 lò phản ứng tất cả do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) quản lý. EDF đang nợ nần chồng chất và bị chính phủ gây sức ép để giữ hóa đơn tiền điện không tăng quá 4% và gây thêm gánh nặng cho các hộ gia đình vài tuần trước bầu cử tổng thống.
Đúng vào lúc Tổng thống Macron công bố chiến lược về năng lượng thì 10 trong số 56 lò phản ứng phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra về mức độ an toàn. Khả năng nguồn cung điện bị giảm 20% so với bình thường. Điểm này làm lộ rõ hệ thống các nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã “già nua”.
Phần lớn các nhà máy điện nguyên tử Pháp đã hoạt động từ thập niên 1970. Trong báo cáo năm 2019, Toà Thẩm kế nước Cộng hoà Pháp (Thẩm Kế Viện) ước tính cần dự trù 100 tỷ euro trong 10 năm (2020-2030) cho các chi phí bảo trì. Mặt khác, hiện tại chính phủ đang tìm cách “kéo dài thời gian hoạt động” của các nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng, nhưng những sự cố dồn dập gần đây đã phát hiện có những vết nứt trong các bồn chứa nước… Tình hình này buộc chính phủ phải có bước chuẩn bị để triển khai thế hệ các lò phản ứng mới trong tương lai.
Nhưng liệu lò phản ứng thế hệ mới EPR có là “chiếc đũa thần” cho phép khôi phục vị trí hàng đầu của Pháp trong ngành công nghiệp điện hạt nhân hay không? Hiện tại trên thế giới mới chỉ có một lò phản ứng sử dụng công nghệ EPR của Pháp đã đi vào hoạt động - đó là tại Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. EDF của Pháp liên doanh với công ty điện lực Trung Quốc CGN khai thác cơ sở này. Nhưng từ tháng 7/2021 tỉnh Quảng Đông đã phải quyết định tạm đóng cửa lò phản ứng EPR duy nhất trên thế giới sau khi phát hiện một “sự cố làm hư hại các thanh nguyên liệu”.
Trên lãnh thổ Pháp công trình EPR đầu tiên đặt tại thành phố Flamanville - vùng Normandie liên tục dời lại ngày chính thức bắt đầu khởi động. So với dự tính ban đầu, sự chậm trễ đó tới nay đã lên tới 10 năm.
* "Nước cờ" mạo hiểm
Trả lời RFI tiếng Việt, Giáo sư Benjamin Coriat - người từng giảng dạy tại Đại học Paris Sorbonne 13 và cũng là thành viên nhóm chuyên gia Les Economistes Atterrés, cho rằng việc Tổng thống Macron thông báo chương trình xây dựng 14 lò phản ứng sử dụng công nghệ mới trước năm 2050 là một nước cờ mạo hiểm.
Ông Coriat giải thích: “Kinh nghiệm nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR ở Flamanville không mấy khả quan bởi dự án bị chậm trễ nhiều năm và chi phí tăng lên. Hiện tại, dự án chưa hoàn tất mà các phí tổn đã cao gấp từ 4-6 lần so với dự kiến ban đầu, tùy theo cách tính toán của EDF hay theo báo cáo của Thẩm Kế Viện. Tôi khá ngạc nhiên về việc chính phủ thông báo mở thêm 14 lò nguyên tử thế hệ mới trong lúc mà chúng ta chưa biết được một cách chính xác cần bao nhiêu thời gian và bao nhiêu kinh phí cho dự án.
Kinh nghiệm EPR duy nhất đang trong quá trình thực hiện tại Pháp thì đã gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không thể nghĩ rằng việc mua lại đầu máy tua-bin Arabelle của tập đoàn General Electric (Mỹ) cho phép bảo đảm Pháp làm chủ được toàn bộ các khâu trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân. Trước đây Pháp làm chủ công nghệ này nhưng đã bán lại các nhà máy đó cho các đối tác nước ngoài, kỹ thuật của Pháp đã mai một. Đó là một tính toán sai lầm về chiến lược mà dù có mua lại Arabelle cũng vẫn chưa thể đảo ngược được tình huống.
Những khó khăn đang vấp phải tại Flamanville, hay ở Hinkley Point tại Anh và trong một chừng mực nào đó là ở Phần Lan, cho thấy Pháp vẫn lúng túng ở khâu sản xuất, chưa có nhiều kinh nghiệm về các lò phản ứng thế hệ mới và vẫn còn nhiều nhiều thách thức vẫn chưa thể vượt qua”.
Về kỹ thuật, trong quá khứ Pháp đã đi sai nhiều nước cờ để đánh mất vị trí hàng đầu của mình trong một lĩnh vực “mũi nhọn”. Năm 2009, Paris để mất hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tay đối thủ của Pháp khi đó là Hàn Quốc. Gần đây hơn Pháp liên tiếp bị qua mặt khi thua Trung Quốc nếu so sánh chỉ số sản xuất điện hạt nhân, thua Nga trong công nghệ sử dụng lò phản ứng modul nhỏ SMR và thua Mỹ về số lượng các lò phản ứng hạt nhân. Vậy làm sao giải thích được mức độ “tuột dốc này”?
Theo Giáo sư Coriat, kịch bản này xảy ra do Pháp đã từng bước đánh mất kỹ năng ưu việt của mình. Điều đó xảy ra khi nước này chấp nhận chuyển nhượng những tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như FRAMATOM cho nước ngoài. Đó là những “lá bài” then chốt trong các khâu từ thiết kế đến thực hiện các nhà máy điện nguyên tử. Một khi đã để thất thoát công nghệ, không dễ để gây dựng lại được tất cả trong một sớm một chiều.
Báo cáo Folz công bố năm 2019 nêu bật thêm một lý do giải thích cho sự chậm trễ của dự án EPR tại Flamanville, Pháp là tình trạng thiếu nhân công trong một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Để thực hiện dự án 14 lò EPR trong 25 năm tới Pháp cần tuyển dụng ngay 4.000 kỹ sư trong ngành nguyên tử và năng lượng hạt nhân, cần 10.000 đôi tay tại các công trường, mà đó là “một nhu cầu rất lớn khó có thể nhanh chóng được đáp ứng”.
Về tài chính, câu hỏi đặt ra là liệu EDF có đủ sức đầu tư cho dự án 14 lò EPR hay không và sẽ được chính phủ tiếp sức tới đâu? Trước mắt chưa thể trả lời câu hỏi kép này. Giáo sư Coriat chỉ ra, thứ nhất là giá thành của một lò phản ứng EPR vẫn là một ẩn số. Do vậy chưa thể xác định được cụ thể là ai sẽ tài trợ và tài trợ đến mức độ nào.
Trước mắt, EDF sẽ phải gánh vác trách nhiệm này, tức là đầu tư để phát triển năng lượng hạt nhân cho dù đang thua lỗ nặng. Đồng thời, chính phủ, cổ đông chính của tập đoàn, lại vừa yêu cầu EDF bán điện cho các nhà phân phân phối với giá thấp hơn so với giá thị trường. Qua đó chính phủ muốn thực hiện cam kết ghìm giá năng lượng tăng không quá 4% như đã cam kết với dân”.
* Uranium - chìa khóa của sự tự chủ năng lượng?
Giáo sư Coriat lấy làm tiếc là xã hội dân sự đã ít được góp tiếng nói về việc đưa điện hạt nhân trở lại trung tâm chiến lược tự chủ về năng lượng quốc gia. Nhưng quan trọng hơn nữa là sự tự chủ của Pháp trong việc cung cấp uranium cho các nhà máy. Đây mới là chìa khóa của sự “tự chủ về năng lượng”.
Ông Coriat cho biết: "Để tự chủ về năng lượng nguyên tử, Pháp gặp nhiều trở ngại mà lý do chính ở đây là không còn làm chủ nhiên liệu thiết yếu, bởi vì lâu nay Pháp đã ngừng khai thác uranium mà chỉ mua vào uranium của nhiều quốc gia khác trên thế giới như của châu Phi. Trong tương lai, nếu Pháp không bảo đảm được nguồn cung uranium thì sẽ không có đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Tôi cho rằng chúng ta có thể nói đến một sự tự chủ về năng lượng nếu có đủ năng lượng tái tạo. Pháp lệ thuộc vào khí đốt của Nga, mà chúng ta thấy rõ là căng thẳng địa chính trị hiện tại đang đặt ra nhiều vấn đề. Năng lượng hạt nhân không là chìa khóa cho phép giải quyết được tất cả nếu không làm chủ được các nguồn cung ứng về nguyên liệu”.
Giảm mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, Pháp đã đạt được mục tiêu đó dưới thời Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing trong thập niên 1970 nhờ hàng chục lò phản ứng hạt nhân lần lượt đi vào hoạt động. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim trong ngành khai thác uranium tại Pháp. Nhưng đến cuối thập niên 1990 nước Pháp ngừng xây thêm các nhà máy điện nguyên tử. Công nghiệp khai thác uranium cũng “tàn theo”.
Kể từ năm 2000, 100% uranium sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được làm giàu trên lãnh thổ Pháp. Theo thống kê chính thức của EDF, trung bình mỗi năm Pháp cần từ 8.000-10.000 tấn uranium để cung cấp cho 56 lò phản ứng tại 18 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc.
Báo cáo của Cơ quan Nguyên tử châu Âu (Euratom) năm 2020 cho thấy, trong giai đoạn 16 năm trở lại đây, 4 nguồn cung cấp quan trọng nhất của Pháp gồm Kazakhstan, Australia, Niger và Uzbekistan. Bốn quốc gia nay bảo đảm 75% nhu cầu tiêu thụ của Pháp. Nói cách khác, để ngành điện hạt nhân vận hành tốt Pháp cần bảo đảm được các nguồn cung cấp.
Trước mắt, EDF từ chối cung cấp các thông tin cụ thể về xuất xứ khối lượng uranium nhập khẩu. Riêng Orano, tập đoàn Pháp chuyên xử lý uranium, một chi nhánh từng thuộc về tập đoàn đa quốc gia của Pháp chuyên về năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo AREVA, thì trấn an công luận rằng “44% nhu cầu uranium của Pháp do các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cung cấp” đây là cách để xua tan lo ngại năng lượng hạt nhân Pháp cũng sẽ bị căng thẳng địa chính trị chi phối trong tương lai./.