Bộ Công Thương triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về lĩnh vực an toàn và môi trường công nghiệp
Vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và năng lực triển khai các quy định mới về bảo vệ môi trường và thông tin đến các doanh nghiệp các điều kiện kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) đã tổ chức Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản” và Hội nghị “tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao kiến thức về quản lý, sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp”.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao kiến thức về quản lý, sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, Cục trưởng Tô Xuân Bảo cho biết, hội nghị nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trong các tổ chức, cá nhân liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ. Thông tin đến các doanh nghiệp các điều kiện kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ, qua đó góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tham dự Hội nghị có trên 80 đại biểu là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tại đây, đại diện Cục ATMT đã trao đổi, phổ biến tại Hội nghị các văn bản quy phạm pháp luật và công tác quản lý nhà nước về VLNCN; phổ biến các quy định kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN, tiền chất nổ theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; các thông tin, nghị định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đi kèm do Bộ Công Thương ban hành về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất nổ. Đồng thời, Báo cáo viên của Cục ATMT cũng chia sẻ, thông tin nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực VLNCN, cũng như một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự cố mất an toàn trong bảo quản và sử dụng VLNCN, từ đó khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao ý thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện Sở Công Thương Ninh Bình, phần lớn các đơn vị đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo quản, sử dụng VLNCN như đã bố trí những người đã tập huấn kỹ thuật an toàn VLNCN làm các công việc liên quan đến VLNCN; trang bị các thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác nổ mìn; mở sổ sách theo dõi công tác xuất, nhập VLNCN; không để xảy ra tình trạng mất an toàn, cháy nổ trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Sau Hội nghị, các đơn vị căn cứ các nội dung tài liệu, thông tin được Cục ATMT phổ biến, tập huấn tại Hội nghị, khẩn trương rà soát, chuẩn hoá lại các quy trình trong quản lý, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh ổn định, đóng góp cho việc phát triển kinh tế của địa phương.
Nâng cao nhận thức pháp luật và năng lực triển khai các quy định mới về bảo vệ môi trường
Trong thời gian qua, ngành than - khoáng sản, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã luôn cố gắng thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thể hiện qua việc chất lượng môi trường tại các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản đã được cải thiện rõ rệt, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực và các sự cố môi trường. Chính sách bảo vệ môi trường luôn được Lãnh đạo Tập đoàn và Lãnh đạo các đơn vị thành viên quan tâm, ưu tiên thực hiện, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và năng lực triển khai các quy định mới về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong ngành than - khoáng sản, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) tổ chức Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản” tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục ATMT, ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản nói chung và lĩnh vực khai thác than nói riêng là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển. Bên cạnh những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế, chúng ta cần nhìn nhận rằng ngành khai thác và chế biến khoáng sản cũng gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình là việc chiếm dụng đất, suy giảm đa dạng sinh học và thảm thực vật, phát thải khí nhà kính và các phát sinh các loại chất thải đặc thù như quặng đuôi, bùn đỏ, đất đá thải …
Từ năm 2020 đến nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, quy định mới về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm kê khí nhà kính, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, ứng phó sự cố môi trường, v.v. Đến thời điểm hiện tại, tuy đã được triển khai thực hiện gần 02 năm, nhưng một số quy định vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng thực tiễn.
Tại Hội nghị, các Báo cáo viên thuộc Cục ATMT đã trình bày một số quy định mới về Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định số 08/2022, Thông tư số 02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Sau khi diễn ra Hội nghị, Cục ATMT sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn.