Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chuyển đổi số hướng tới mô hình "Đại học thông minh"
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Trường ĐHCN Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng công tác đào tạo, giảng dạy của Nhà trường vẫn đạt hiệu quả cao nhờ chủ động chuyển đổi số.
PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường ĐHCN Hà Nội đã có những chia sẻ tâm huyết với Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) xung quanh công tác chuyển đổi số của Nhà trường hướng tới mô hình đại học thông minh.
PGS.TS. Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thưa PGS.TS Trần Đức Quý, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật mà Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua trong công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ?
PGS.TS. Trần Đức Quý:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế trên toàn tế giới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong nền giáo dục 4.0, Trường Đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề thực tiễn để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong những năm gần đây, số lượng và quy mô các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày càng tăng, năm sau hơn năm trước từ 20-30%, đặc biệt là đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh và cấp nhà nước. Hàng năm có từ 15-20 đề tài, dự án cấp bộ/tỉnh và nhà nước. Nhiều đề tài, dự án có tính ứng dụng thực tế cao.
Số lượng các bài báo/công trình khoa học tăng nhanh, đặc biệt là công bố quốc tế. Năm 2020, cán bộ, giảng viên Nhà trường công bố trên 847 bài báo, trong đó có 264 bài báo quốc tế, 150 bài báo ISI/ Scopus, 553 bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước.
Năm 2020 nhà trường có 358 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, công bố trên 847 bài báo khoa học, trong đó có 264 bài báo quốc tế.
Có nhiều sáng chế/giải pháp hữu ích, đã có những công trình KH&CN được giải thưởng quốc gia, tiêu biểu như Hệ thống Đại học Điện tử của Trường ĐHCN Hà Nội đạt 3 giải thưởng: Giải Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê, Vifotech. Hiện nay, sản phẩm đã hoàn chỉnh, được ứng dụng trong đổi mới quản trị của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và được chuyển giao cho một số cơ sở đào tạo trong nước, góp phần tích cực cho công cuộc chuyển đổi số và quản trị đại học.
Hoạt động NCKH của sinh viên cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2020 có 358 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu với 37 giải nhất, 44 giải nhì, 57 giải ba. Đặc biệt, nhiều đội tuyển sinh viên đạt kết quả cao tại các cuộc thi khoa học sáng tạo các cấp: đã đạt 02 giải Nhì, 02 giải Ba cuộc thi Robocon toàn quốc, 01 giải Nhất - Robocon Techshow; 04 lần vô địch quốc gia, xếp thứ 3 Châu Á - Thái Bình Dương tại cuộc thi Xe tiết kiệm nhiên liệu, cuộc đua số, đạt 01 giải Nhất - Giải thưởng tài năng Lương Văn Can. Tham gia và đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic toàn quốc các môn Tin học, Hóa học, Cơ học, Toán học, Vật lý.
Về hoạt động Đảm bảo chất lượng và Chuyển đổi số
Nhà trường đã chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án "Thiết lập hệ thống quản trị Nhà trường theo mô hình Đại học Điện tử" nhằm từng bước ứng dụng ICT vào chuẩn hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quá trình quản lý và tác nghiệp phù hợp với thực tiễn hoạt động nhà trường. Phần lớn các hoạt động của Nhà trường đã thực hiện thành công chuyển đổi số ở mức độ số hóa các quy trình quản lý và tác nghiệp, một số hoạt động đã bước đầu sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo trong xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động quản lý.
Nhà trường đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn Quốc gia năm 2017; hoàn thành 05 chương trình kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn quốc gia năm 2020,và đang thực hiện kiểm định 10 chương trình đại học năm 2021.
Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm định với mục tiêu đến 2023 có 100% số chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc gia và 05 chương trình đào tạo lĩnh vực Cơ khí, Ô tô, Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin đạt chuẩn kiểm định ABET (Mỹ).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được biết đến là địa chỉ uy tín đào tạo ra nguồn lao động chất lượng, có trình độ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành trong lĩnh vực công nghiệp. Trường cũng nằm trong nhóm các trường đại học tại miền Bắc có số lượng người học ghi danh cao. Yếu tố nào giúp Trường duy trì được “sức hút” đến vậy?
PGS.TS. Trần Đức Quý:
Trong nhiều năm gần đây, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của xã hội và luôn là một trong những trường trong tốp đầu có số lượng đăng ký tuyển sinh. Năm 2021 có 142.000 nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường. Có được kết quả trên là do nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, Trường ĐHCN Hà Nội thuộc nhóm trường sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc. Nhà trường đã xây dựng và triển khai thành công đề án "Thiết lập hệ thống quản trị Nhà trường theo mô hình ĐH Điện tử" nhằm ứng dụng hiệu quả ICT vào chuẩn hóa và nâng các hiệu lực, hiệu quả các quá trình quản lý và tác nghiệp trong Nhà trường, mang lại sự hài lòng cho khách hàng và các bên liên quan. Từng bước hình thành hệ thống Đại học thông minh và xây dựng lộ trình, thực hiện mô hình quản trị Đại học mới theo hướng phát triển từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trường thành “Đại học Công nghiệp Hà Nội”.
Thứ hai, Nhà trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo, NCKH cũng như các hoạt động hợp tác phát triển của Nhà trường.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng máy đúc nhựa SE180EV-A Nhật Bản
Thứ ba, đội ngũ viên chức, giảng viên của nhà trường đủ về số lượng, trình độ chuyên môn cao (có trên 300/1.300 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ) được đào tạo đúng chuyên ngành, năng động, nhiệt tình, đáp ứng yêu cầu quản trị và đào tạo trong thời kỳ mới, thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, những ngành nghề đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Nhà trường có thế mạnh phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội.
Với hệ thống chương trình đào tạo đa dạng và được thiết kế, vận hành bám sát theo chuẩn đầu ra, phản ánh đầy đủ các yêu cầu tối thiểu về năng lực đối với người tốt nghiệp mà doanh nghiệp, xã hội đang cần và sẽ cần trong tương lai gần. Đây là chìa khóa để sinh viên của Đại học Công nghiệp Hà Nội khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội, đồng thời có năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong công việc trong tương lai.
Robot công nghiệp phục vụ đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thứ năm, Nhà trường kiểm soát và quản lý tốt quá trình đào tạo thông qua hệ thống Đại học điện tử. Chất lượng đào tạo được khẳng định. Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn được doanh nghiệp đánh giá cao. Tỷ lệ sinh viên có việc làm tại thời điểm tốt nghiệp hàng năm đều đạt trung bình trên 80%, sau 12 tháng tốt nghiệp đạt trên 93%. Đây là những những minh chứng quan trọng phản ánh chất lượng và thương hiệu Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc chủ động sớm thực hiện chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích gì cho Nhà trường?
PGS.TS Trần Đức Quý:
Xác định chuyển đổi số Đại học phải bắt nguồn từ việc thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa của nhà trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các yếu tố công nghệ và nền tảng CNTT và truyền thông,Nhà trường đã từng bước thay đổi mô hình, phương pháp quản trị toàn diện, ứng dụng những triết lý tiên tiến vào thiết lập và vận hành hệ thống quản lý đi kèm với việc chủ động phát triển và ứng dụng hệ thống phần mềm CNTT. Quá trình chuyển đổi số của Đại học Công nghiệp Hà Nội đang được vận hành theo lộ trình 6 giai đoạn từ:
(1) Tin học hóa: Hiện tại với hệ thống CNTT gồm 44 máy chủ, 4082 máy tính, 3349 thiết bị CNTT và truyền thông, 127 phần mềm ứng dụng các loại được trang bị và khai thác đã đảm bảo 100% các hoạt động trong nhà trường đã được tin học hóa.
(2) Kết nối: Từ 2009, toàn bộ hệ thống máy tính trong nhà trường đã được kết nối nội bộ hệ thống cáp quang. Hệ thống mạng nhà trường cũng được kết nối Internet đảm bảo 100% thiết bị có khả năng kết nối và thực hiện các tác nghiệp thông qua mạng quốc tế. Từ 2017, với việc đưa vào áp dụng hệ thống CNTT theo mô hình Đại học Điện tử với 28 phân hệ phần mềm, 5 ứng dụng trên nền tảng di động đã đảm bảo trên 90% hoạt động của nhà trường... được vận hành, kết nối trên một cơ sở dữ liệu thống nhất theo thời gian thực. Toàn bộ các hoạt động liên quan trực tiếp tới sinh viên đặc biệt mạng xã hội trường học trên nền web và di động đã tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, sinh viên và các bên quan tâm. Việc kết nối với bên ngoài, khai thác các lợi thế từ hệ sinh thái số cũng đã được triển khai có hiệu quả.
(3) Trực quan hóa: Việc vận hành hệ Đại học điện tử theo mô hình Quản lý quá trình tác nghiệp (BPM) đã giúp hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất, chính xác làm cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích và biểu đồ hóa các báo cáo kết quả các hoạt động trong nhà trường, với hơn 623 báo cáo thể hiện dưới dạng dashboard trên hệ thống Đại học Điện tử, xu hướng vận hành cũng như kết quả thực hiện của từng lĩnh vực đều được thể hiện rõ làm cơ sở cho quá trình ra quyết định ở các cấp.
(4) Minh bạch hóa: Với 615 quy trình tác nghiệp được số hóa thành các ứng dụng phần mềm hỗ trợ tác nghiệp và quản lý tại từng khâu, đã giúp cho việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân trên hệ thống, kết quả thực hiện các khâu của quá trình tác nghiệp, báo cáo đều được thể hiện rõ và công khai. Ý kiến của sinh viên được thu thập toàn diện và khách quan, thường xuyên thông qua hệ thống giúp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đồng thời xóa các điểm mờ trong hoạt động quản lý vận hành nhà trường. Cùng với đó, việc định lượng hóa, chuẩn hóa các hoạt động cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. 100% chương trình đào tạo (CTĐT) của nhà trường đã được xây dựng và vận hành theo CDIO, phương pháp phát triển CTĐT tiên tiến có khả năng lượng hóa và đo lường được năng lực của người học trong từng giai đoạn. Các chỉ số thể hiện chính (KPI) cho các lĩnh vực hoạt động trong nhà trường đã được thiết lập và ứng dụng CNTT để đo lường và phân tích.
(5) Tiên đoán: Xu thế của ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thông minh hóa hệ thống quản lý, đã được trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từng bước áp dụng. Với 5 hệ hỗ trợ ra quyết định, 1 hệ ngữ nghĩa, 2 ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp các nhà quản lý nhận diện được những vấn đề sẽ phát sinh để có những quyết định quản lý kịp thời, hiệu quả cho một số hoạt động trong nhà trường. Việc tiếp tục mở rộng theo xu thế này đang được nhà trường quan tâm.
(6) Thích ứng: Đây là giai đoạn cao nhất của chuyển đổi số khi hệ thống tự động chuyển đổi, thích ứng với những vấn đề phát sinh. Hiện tại, nhà trường đang thực hiện một số bước chuẩn bị cho việc hình thành Đại học thông minh tại nhà trường.
Tiếp cận và có những bước đi phù hợp thực hiện việc chuyển đổi số nhà trường đã giúp cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bước đầu hình thành hệ sinh thái số trong nhà trường. Hiệu lực và hiệu quả quản lý và vận hành các hoạt động trong nhà trường được nâng cao. Điều này đã tác động tích cực và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong Nhà trường.
Chuyển đổi số hiệu quả cũng giúp Nhà trường nhanh chóng thích ứng với những vấn đề phát sinh đặc biệt khi dịch COVID 19 diễn ra. Các hoạt động của Nhà trường như tuyển sinh, nhập học, tổ chức đào tạo, đánh giá, cấp phát văn bằng...vẫn được triển khai bình thường trên môi trường số. Hiệu quả của chuyển đổi số còn thể hiện thông qua hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân, một số hoạt động đã tiết kiệm gần 50% nhân lực, giảm tới 70% thời gian thực hiện.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên vận hành Trung tâm gia công CNC 5 trục DMU 50
Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học là xu thế tất yếu. Nhà trường có sự chuẩn bị như nào để hướng tới mục tiêu “đại học thông minh”?
PGS.TS Trần Đức Quý:
Để hướng tới “đại học thông minh”, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước tiến tiếp cận mục tiêu này.
Thứ nhất, trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu thiết lập hệ thống Đại học thông minh đã được xác định và cụ thể hóa thông qua 8 chỉ số thể hiện chính (KPI) định lượng. Kế hoạch thực hiện để hoàn thành các chỉ số cũng đã được thiết lập và tổ chức thực hiện tại các cấp trong nhà trường.
Thứ hai, mô hình quản trị hiện đại “phần hồn” của hệ thống đại học thông minh đã được nhà trường từng bước hoàn thiện thông qua việc chuẩn hóa cơ cấu tổ chức, phương pháp quản trị, quá trình tác nghiệp cũng như chương trình đào tạo, công cụ quản lý, hệ thống thông tin, cơ chế an toàn và bảo mật hệ thống...theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tới năm 2023, cơ sở và 80% CTĐT của nhà trường sẽ đạt các chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tê, hệ thống quản lý nhà trường đang xây dựng và vận hành tiếp cận theo tiêu chuẩn ISO 20001:2018, hệ thống thông tin đã được thiết lập hướng tới đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn ISO 27001:2013.
Thứ ba, nguồn nhân lực “thông minh” từ đội ngũ chuyên gia có khả năng phát triển các hệ thống thông minh đến những cá nhân đủ năng lực vận hành hệ thống đã từng bước được chuẩn bị. Ngoài trung tâm ĐBCL được quy định có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển hệ thống Đại học thông minh, nhà trường cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện cho 3 nhóm nghiên cứu mạnh tập trung các nhà khoa học có chuyên môn cao từ các đơn vị Viện CN HaUI, Khoa CNTT và trung tâm CNTT nghiên cứu và phát triển các thành phần của hệ thống.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng cho một hệ sinh thái số, môi trường của Đại học thông minh từ hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị thông minh, hệ thống phần mềm hệ thống và các ứng dụng cung cấp dữ liệu cho học máy và bigdata...có giá trị hàng chục tỉ đồng đã được nhà trường triển khai đầu tư. Cùng với đó, việc khai thác các thế mạnh về công nghệ và tài chính từ các đối tác trong và ngoài nước cũng đang được nhà trường triển khai. Nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ về công nghệ và thiết bị từ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft, Dell, Oracle... đặc biệt nhà trường đang cùng Siemen thực hiện các công tác chuẩn bị để triển khai dự án về hệ thống thông minh trị giá 20 triệu USD. Đây là những nền tảng quan trọng cho việc hình thành và vận hành mô hình đại học thông minh tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Với kinh nghiệm và kết quả thu được từ quá trình xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đại học điện tử và quá trình chuyển đổi số đại học, với chủ trương đã được cụ thể hóa thành các mục tiêu chiến lược cũng như kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tự tin phát triển và vận hành thành công mô hình đại học thông minh, mô hình đại học mới toàn diện và hiện đại của xu thế chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo 41 chương trình đại học, 11 chương trình thạc sĩ, 3 chương trình tiến sĩ. Quy mô đào tạo giữ ổn định từ 30.000 – 32.000 sinh viên. Năm 2021 có 142.000 nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường. Các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, ngành/nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thời kỳ Công nghiệp 4.0. Nhà trường đã tổ chức thành công các hoạt động đánh giá kết quả học tập theo phương thức trực tuyến trên 02 hệ thống cho hơn 3.600 lớp học phần, tương ứng với hơn 180.000 lượt sinh viên (tỷ lệ dự thi thành công đạt 97%), đảm bảo kế hoạch đào tạo và thời gian tốt nghiệp của sinh viên. |