Chuyển dịch năng lượng - nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững
Là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, gây tác động không tốt đến môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới trong chuyển dịch năng lượng. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn.
Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, năng lượng địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác. Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng…
Với cam kết cụ thể nhất được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đưa mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và việc tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP), Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu các công nghệ mới.
Tại Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho biết, chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cụ thể đối với việc ngừng phát thải carbon vào năm 2050. Quá trình này cũng góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững cho mỗi quốc gia.
Dự báo sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15%; nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8 -10%/năm trong những năm tới. Điều đó cho thấy các giải pháp năng lượng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Theo đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển, nổi bật có nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu...
Theo kịch bản chuyển dịch năng lượng đến năm 2050 của IRENA, điện năng sẽ chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2050, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% hiện nay. Trong đó, năng lượng tái tạo sẽ chiếm đến 86% lượng điện năng cung cấp trên toàn cầu. Trên thế giới, năng lượng tái tạo hiện đang chiếm hơn 1/3 công suất lắp đặt toàn cầu, đạt xấp xỉ 2,500 GW. Trong ngành giao thông vận tải, doanh số bán hàng xe điện ở nhiều quốc gia ngày một gia tăng, tỉ lệ xe điện toàn cầu trong tổng số lượng xe đang tăng lên nhanh, với xe điện dự kiến sẽ chiếm trên 50% doanh số bán hàng xe mới vào năm 2030. Điều đó cho thấy ý nghĩa của việc phát triển “giao thông xanh” đối với chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Đối với phát triển hydro xanh hiện nay, ước tính có khoảng 6% lượng khí tự nhiên và 2% lượng than trên toàn thế giới đang được sử dụng để sản xuất hydrogen, chủ yếu phục vụ sản xuất amoniac và metan để sử dụng trong các ngành công nghiệp. Tổng tiêu thụ hydrogen trên toàn thế giới năm 2020 ước đạt 90 Mt và có thể tăng đến gần 200 Mt vào năm 2030. Hydrogen được đề cập đến như một giải pháp quan trọng trong ngành điện (bao gồm cả hydrogen và amoniac) và giao thông vận tải.
Bà Vũ Chi Mai - chuyên gia năng lượng của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn. Vì thế, cần ít nhất 4 yếu tố để thúc đẩy thành công quá trình này. Thứ nhất là cần một chính sách dài hạn, minh bạch để khuyến khích các nhà đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư; thứ hai là nguồn vốn; thứ ba là nguồn nhân lực và thứ tư là thị trường phải tính cạnh tranh.
Theo ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đạt được các yêu cầu về chuyển dịch năng lượng, trước mắt phải bảo đảm hệ thống điện vận hành một cách linh hoạt khi tỷ lệ năng lượng tái tạo hòa lưới điện tăng cao theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, cần tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng công tác, giúp đưa ra dự báo về nhu cầu và nguồn cung cấp phát một cách chính xác. Thí dụ như trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái, có thể mua dữ liệu vệ tinh để từ đó phân tích và có dự báo sát thực tế, giúp hệ thống điện vận hành linh hoạt, chủ động hơn.
Trong thời gian tới, để huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo như chỉ đạo của ngành công thương và Chính phủ, yêu cầu về tính linh hoạt của hệ thống điện càng cao. Theo đó, ông Nguyên bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu ban hành cơ chế để tháo gỡ các vấn đề phát sinh khi tỷ lệ năng lượng tái tạo thâm nhập hệ thống điện cao.