A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đan Mạch cam kết thúc đẩy năng lượng bền vững tại Việt Nam bằng DEPP3

Chính phủ Đan Mạch cam kết tài trợ ODA không hoàn lại 60,29 triệu Krone, tương đương 8,96 triệu USD cho Việt Nam thực hiện Dự án “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025”, Chương trình DEPP3.

Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn tiêu thụ nhiều năng lượng và thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris, ngày Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực và đồng bộ các hoạt động với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, Chương trình DEPP giai đoạn 2017 - 2020. Chương trình đã hỗ trợ hiệu quả cho Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam  và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Kết thúc giai đoạn 2017-2020, các kết quả đã thực hiện của Chương trình DEPP2 được đánh giá rất có giá trị. Chương trình đã đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và tiết kiệm năng lượng (TKNL), đào tạo nâng cao năng lực kèm các công cụ để thực thi đồng bộ từ khâu lập quy hoạch cho đến vận hành thời gian thực hệ thống điện với tỷ lệ cao nguồn NLTT và nâng cao năng lực và các quản lý thực thi quy định của Luật SDNL TK&HQ. Các kết quả hỗ trợ có hiệu quả cho Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nói chung và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói riêng. 

Ảnh minh họa

Từ kết quả thành công của Chương trình DEPP2, Chính phủ Đan Mạch tiếp tục tài trợ từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại 60,29 triệu Krone Đan Mạch (tương đương 8,96 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025”, Chương trình DEPP3. Chương trình  sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu chung là nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết "Đóng góp do Quốc gia tự quyết định" của Việt Nam nhưng với tham vọng và mục tiêu cao hơn. 

Chương trình DEPP3 đặt ra mục tiêu hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng phù hợp với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao mục tiêu đóng góp do Quốc gia tự quyết định và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025. Chương trình chia thành 03 Hợp phần.

Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về quy hoạch dài hạn ngành năng lượng do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả phát triển điện gió ngoài khơi và các công nghệ tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có hiệu quả về kinh tế nhằm thực hiện cam kết NDC đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các giải pháp linh hoạt cho vận hành hệ thống điện để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi an toàn và hiệu quả theo hướng sử dụng năng lượng sạch với tỷ trọng các nguồn NLTT tăng lên.

Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là xây dựng các cơ chế khuyến khích để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) trong lĩnh vực công nghiệp, nâng cao năng lực xây dựng và sửa đổi khung pháp lý về SDNL TK&HQ ở cấp quốc gia và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về SDNL TK&HQ ở cấp tỉnh.

Đối tượng thụ hưởng của dự án, ngoài các Cục, Vụ của Bộ Công Thương còn có các các Sở Công Thương trên toàn quốc, các trung tâm tiết kiệm năng lượng và các công ty dịch vụ năng lượng; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực năng lượng; các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào đầu tư nguồn điện; các đơn vị quản lý và và vận hành nguồn điện và lưới điện; khách hàng sử dụng điện; các đối tượng sử dụng năng lượng lĩnh vực dân dụng, công cộng, thương mại.

Trước các thách thức đối với ngành năng lượng của Việt Nam, dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình DEPP3 là cần thiết cho Bộ Công Thương nhằm tăng tỷ trọng nguồn NLTT kể cả phát triển điện gió ngoài khơi, cơ hội tham gia thị trường cho nguồn NLTT, xây dựng cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện SDNL TK&HQ trong lĩnh vực công nghiệp.

Hợp tác với Đan Mạch trong tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều kết quả ý nghĩa

Chương trình DEPP3 sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển NLTT; Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030” (VNEEP3) cũng như đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo môi trường bền vững, giảm thiểu phát thải carbon.

DEPP là gì?

Những năm qua trong các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người ta thường thấy sự phối hợp giữa Việt Nam với Đan Mạch. Được biết Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017.

Chương trình DEPP có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu krone Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu USD. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tổng hợp, DEPP được chia thành 3 Hợp phần. Nội dung Hợp phần 1 về nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; Hợp phần 2 về nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; Hợp phần 3 là phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.

Tuy có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các hoạt động năm 2020 của DEPP vẫn được thực hiện. Các cuộc họp trao đổi nội dung kỹ thuật hoạt động đã thực hiện hình thức trực tuyến giữa đại diện của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Cục Năng lượng Đan Mạch, tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước.

Tới nay, các quy định xây dựng của Hợp phần 3 với một loạt quy trình quản lý giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý hiệu quả báo cáo của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo định mức tiêu hao năng lượng.

Đây là những công cụ để giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực thi hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hiệu quả tuân thủ quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Nhìn lại quá trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch

Sau gần ba năm thực hiện chương trình, với sự hợp tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, dự án đã cải thiện khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, trong đó hỗ trợ cho 2 tỉnh được chọn là Bắc Giang và Đồng Nai nâng cao năng lực thực thi quy định về tiết kiệm năng lượng.

Dự án đã đạt được một số kết quả tiêu biểu, như thu thập số liệu và đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi Nghị định 21/2011/NĐ-CP theo hướng mở rộng các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trọng điểm; xây dựng công cụ hỗ trợ các Sở Công Thương, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm báo cáo, quản lý báo cáo.

Bên cạnh đó, DEPP đã đề xuất, khuyến nghị sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012, quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, thực hiện kiểm toán năng lượng. Báo cáo đề xuất sửa đổi đã được trình bày tại các hội thảo ở Hà Nội và TP HCM vào tháng 11/2018.

Đến ngày 29/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Số 25/2020/TT-BCT thay thế Thông tư 09 nêu trên, nhằm hỗ trợ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dễ dàng triển khai các quy định trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu quả.

Bên cạnh việc sửa đổi các nội dung liên quan đến chính sách, dự án cũng đề xuất cải tiến công cụ thu thập dữ liệu tiêu thụ năng lượng. Tháng 10/2020, dự án triển khai 3 hội thảo đào tạo cho 63 tỉnh thành về công cụ mới theo Thông tư Số 25/2020/TT-BCT, với khoảng 60 đại biểu tham dự mỗi hội thảo, gồm doanh nghiệp và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, chương trình này cũng đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng bộ mẫu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2020-2025, được ban hành theo Công văn số 5866/BCT-TKNL ngày 11/8/2020.

Bộ mẫu hướng dẫn cũng cung cấp các phương pháp luận, thông tin pháp lý và công cụ tính toán mục tiêu, nhằm hỗ trợ các tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.


Tác giả: An Hạ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website