A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các địa phương chủ động ban hành kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, các địa phương đã dành nhiều nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, đảm bảo mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chủ động ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bắc Kạn phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường

Thực hiện cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2023 theo Đề án của Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp; phát triển thương mại trở thành điểm tựa để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Về phát triển thị trường thương mại, đổi mới và tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản và sản phẩm công nghiệp của tỉnh. Quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại.

Đối với công nghiệp chế biến nông, lâm sản, Bắc Kạn lựa chọn để tập trung phát triển một số sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh gắn với phát triển cùng nguyên liệu, phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác của vùng.

Hà Nam phát triển thị trường trong tỉnh kết nối liền mạch với thị trường trong nước và thị trường xuất nhập khẩu

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương Hà Nam, giai đoạn đến năm 2030, Hà Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân hàng năm trên 13%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP đến năm 2030 đạt khoảng 58%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2030 đạt trên 45%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân/năm đến năm 2030 đạt trên 12,5%.

Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1-1,5%/năm. Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng bình quân trên 15%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 17%/năm. Tỷ trọng doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) đến năm 2030 chiếm trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

Hòa Bình duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 18%/năm

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10 - 11%/năm; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khoảng 14 - 15%/năm và chiếm tỷ trọng khoảng 65 - 70% tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 18%/năm.

Với mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương, tỉnh Hòa Bình đề ra các giải pháp được như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương; huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương; cải cách tổ chức bộ máy; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành…

Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16,5% - 17%/năm

Theo kế hoạch hành động của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, mục tiêu giai đoạn 2025 có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16,5% - 17%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 17,5% - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm. 

(Ảnh minh họa)

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, trong tỉnh và Hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29% GRDP tỉnh. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với xu thế phát triển. 

Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại

Kế hoạch nêu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực thương mại dịch vụ tại Thanh Hóa, trong đó mục tiêu phát triển nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, khuyến khích mở rộng thêm các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối truyền thống sang các loại hình phân phối hiện đại.

Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, giai đoạn tiếp theo ngành công nghiệp tiếp tục phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, hóa chất, hóa dược, chế biến nông, lâm, thủy sản... gắn với tăng cường cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất thông minh, tự động hóa. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ với các doanh nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Thu hút đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, giày da có công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may mặc, giày da của tỉnh.

Quảng Ngãi phát triển thị trường trong tỉnh nhanh và bền vững

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm; Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 45%.

Nhiều địa phương đặt mục tiêu phát triển thị trường theo hướng hiện đại, nhanh và bền vững (Ảnh minh họa)

Về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu; Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có quy mô xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cao gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Về tái cơ cấu thị trường trong nước, tổ chức kết nối liền mạch thị trường trong tỉnh với thị trường trong nước và thị trường xuất nhập khẩu nhằm phát triển thị trường trong tỉnh Quảng Ngãi nhanh và bền vững, đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất phát triển.

Huế phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10 - 12%/năm

Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Huế tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý…

Bên cạnh mục tiêu về xuất nhập khẩu, Huế tập trung phát triển sản xuất công nghiệp; ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch… Phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng thương mại trên địa bàn đạt khoảng 4,5-5% vào năm 2025 và khoảng 6,0 – 7,0% vào năm 2030.

Có thể thấy, không chỉ Bắc Kạn, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Huế… mà hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực, chủ động ban hành Kế hoạch hành động triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 một cách hiệu quả.    

Chính sự chủ động đó đã giúp các địa phương tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, thương mại, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương địa phương theo kịp xu hướng phát triển. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp, thương mại tại các địa phương không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển, tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Để hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương hiệu quả hơn với mô hình quản trị ngành có tính thích ứng cao, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế,  nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất.

 


Tác giả: Trúc Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website