A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam có vai trò nền tảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với các chính sách phù hợp và nỗ lực từ phía doanh nghiệp, công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo GS, TS Đặng Hoàng Linh - Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài. Công nghiệp hỗ trợ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, mà còn tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là một nhiệm vụ mà nhiều quốc gia trên thế giới cần chú trọng.

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những lĩnh vực phát triển dưới tiềm năng. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với sự phát triển công nghiệp, các chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Theo đó, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã gia tăng, đặc biệt trong chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất chủ lực, như dệt may, da giày, điện tử và công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay, cả nước khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho các ngành ô tô và cơ khí; theo đó, có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu. Đặc biệt, một số tập đoàn lớn, như Viettel, Vingroup, Hòa Phát,... đã phát triển mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí và chế tạo,... giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang trong quá trình dần hoàn thiện và phát triển nên không thể tránh khỏi hạn chế. Mặc dù Nhà nước đã áp dụng nhiều chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế các chính sách này chưa đủ mạnh và đồng bộ để tạo ra đột phá. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tại địa phương. Do đó, việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và ưu đãi. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất đơn giản, khả năng tài chính hạn chế và thiếu tài sản bảo đảm để tiếp cận được các khoản vay lớn.

Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm vẫn còn thấp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô,... Sản phẩm linh phụ kiện do Việt Nam sản xuất thường chỉ là chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do doanh nghiệp FDI cung cấp. Số lượng và trình độ nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu.

Chính sự “thiếu hụt” của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, khiến cho sức lan toả của khu vực FDI vào nền kinh tế trong nước chưa được đánh giá cao.

Có thể thấy, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư trực tiếp nước ngoài có mối quan hệ tương hỗ và tác động qua lại lẫn nhau. Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ không chỉ thúc đẩy khả năng nội địa hóa sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút FDI. Ngược lại, FDI đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua vốn, công nghệ, và kinh nghiệm quản lý.

Về giải pháp, theo PGS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, một trong những mục tiêu quan trọng của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là gia tăng mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước theo chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nhanh chóng số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập có hiệu quả với kinh tế thế giới.

Đặc biệt, tăng liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những giải pháp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm đạt được mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50/NQ-BCT về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách về trình độ, công nghệ đang trở thành một trong những hàng rào vô hình, cản trở sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cần tạo cơ chế thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó kéo gần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm được như vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nâng cấp năng lực, chủ động đầu tư công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.


Tác giả: Hải Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website