A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin thị trường Israel tháng 7/2020

Trong 7 tháng đầu năm 2020, tình hình an ninh, chính trị, xã hội tại Israel có nhiều biến động căng thẳng và phức tạp. Nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trao đổi thương mại quốc tế của Israel bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Israel đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 70 triệu USD.

Tình hình chung

Dịch cúm Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại Israel trong tháng qua, đã từng có ngày số ca nhiễm đạt đỉnh điểm trên 2.000 ca. Tính đến hiện tại, đã có 68.769 ca nhiễm và có 497 người chết tại Israel. Theo báo New York Times, Israel đứng thứ 6 thế giới về số lượng các ca nhiễm Covid-19 hàng ngày, tính theo tỷ lệ 1 triệu người trên tổng dân số. Israel tiếp tục kéo dài lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh đến ngày 01/9/2020 để phòng tránh và kiểm soát lây lan dịch bệnh. Hãng hàng không El Al của Israel thông báo tiếp tục ngừng các chuyến bay cho tới ngày 31/8/2020.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Y tế đang lên kế hoạch đề xuất cho phép công dân của các nước an toàn/“green states” (không có ca nhiễm hoặc tỷ lệ nhiễm dịch cúm Covid19 thấp) được nhập cảnh mà không cần phải thực hiện yêu cầu kiểm tra y tế hoặc cách ly và nối lại các chuyến bay thương mại định kỳ vào đầu tháng tới. Danh sách các nước an toàn dự kiến bao gồm: Áo, Canada, Síp, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lichtenstein, Latvia, Lithuania, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Thụy Sỹ. Mặc dù vậy, kế hoạch này cũng đối mặt với không ít thách thức trở ngại, dưới áp lực mở cửa bầu trời của Israel đang gia tăng. Bộ Du lịch khuyến nghị nên sớm mở cửa bầu trời càng sớm càng tốt, hoặc thậm chí mở cửa một phần, trong khi Bộ Giao thông cho biết quyết định cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng không.

Hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, tổ chức sự kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch cúm Covid. Hãng giày dép quần áo thể thao Rebook đã đóng cửa các chuỗi cửa hàng ở Israel và chuyển sang kinh doanh bán hàng theo hình thức trực tuyến trên mạng. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong tháng 6/2020, đã có số lượng 2.038 doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng NIS tiếp tục tăng giá mạnh so với đồng USD và lên giá mạnh nhất trong 30 tháng trở lại đây. Giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng lên vào cuối tháng 7/2020 và có hiệu lực thực hiện vào đầu tháng 8/2020.

Trao đổi thương mại với Việt Nam 

Trong tháng 6 năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 145,19 triệu USD (không tính máy móc, phương tiện, trang thiết bị an ninh, quân sự, bảo hộ lao động…. trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng). Xuất khẩu sang Israel tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, trong khi nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh so với tháng trước đó. 

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 791,0 triệu USD. Trong khi, xuất khẩu sang Israel giảm 11,0% thì nhập khẩu từ thị trường này tăng 391,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do Việt Nam nhập khẩu các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện từ Israel với trị giá lớn trong những tháng đầu năm nay. Mặc dù vậy, khoảng cách nhập siêu từ Israel đã được thu hẹp dần và giảm xuống chỉ còn 69,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tuy quy mô dân số chỉ khoảng 9,2 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng hiện tại Israel là thị xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). 

Ước tính, trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Israel đạt khoảng 430 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 480 triệu USD.

7 tháng đầu năm 2020, tình hình thị trường Israel có nhiều biến động khó khăn (tình hình an ninh chính trị bất ổn, dịch cúm Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, có một thời gian thực hiện phong tỏa đất nước, cấm người nước ngoài nhập cảnh và thực hiện giãn cách xã hội, kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh...). Trong 6 tháng đầu năm nay, ngoại trừ xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng mạnh, còn lại hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Israel đều giảm so với cùng kỳ năm trước như thủy sản, giày dép các loại, hạt điều, cà phê, điện thoại di động. Đây cũng là tình trạng và bối cảnh chung, thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch cúm Covid-19 xảy ra tại nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 13,778 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,71% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, và Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam (đứng thứ 3, sau Mỹ và Italy, đối với mặt hàng cá ngừ mã HS 03 đạt 7,256 triệu USD; đứng thứ 5, sau Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan và Ai Cập, đối với mặt hàng cá ngừ mã HS 16 đạt 6,522 triệu USD); mặt hàng tôm đông lạnh đạt 3,737 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng mực đông lạnh đạt 2,413 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,01% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, và Israel đứng thứ 9 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực hàng đầu của Việt Nam (đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Hongkong, Italy, Malaysia, Philipine, Mỹ và đứng trước Đài Loan); mặt hàng cá tra đạt 1,727 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,26% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 48 trong số trên 100 thị trường Việt Nam đã có xuất khẩu thủy sản sang đó.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp Israel quan tâm tới mặt hàng cá tra fillet, lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để ký kết hợp đồng trong thời gian tới. 

Về nhập khẩu, các mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, rau củ quả đều giảm, trong khi mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng mạnh và làm cho Việt Nam nhập siêu từ Israel với trị giá 69,6 trong 6 tháng đầu năm 2020.

Một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, dịch chuyển đầu tư và các chuỗi hoạt động sản xuất sang Việt Nam.....

Thông tin chi tiết: Xem tại đây


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website