Đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Anh
Trên thị trường thế giới, Anh nằm trong nhóm 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, do đó có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Anh.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023; gỗ nguyên liệu 3,533 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023; lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2024, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Anh, chiếm 91,5% tổng trị giá xuất khẩu.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong tháng 8/2024 đạt 20,8 triệu USD, tăng 18,6% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh đạt 145,7 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác cũng xuất khẩu tới thị trường Anh nhưng trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ như gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương…
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cho ngành gỗ, vì vậy đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Anh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Trên thị trường thế giới, Anh nằm trong nhóm 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, do đó có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Anh.
Ngoài ra, sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm, điều này cũng mang lại cơ hội tích cực cho ngành gỗ của Việt Nam.
Tuy nhiên theo Cục Xuất nhập khẩu, thách thức khi đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường này khá lớn trong bối cảnh thương mại quốc tế tăng yếu, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Nhu cầu thị trường Anh giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu bởi tâm lý lo ngại về chi phí sinh hoạt cao và tình hình kinh tế bấp bênh.
Cùng với đó, thị trường Anh có yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Luật về chống mất rừng và suy thoái rừng cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Những yêu cầu về chứng chỉ xanh, thương mại công bằng ngày càng được ưa chuộng và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm. Xung đột biển Đỏ đã đẩy cước vận tải và kéo dài thời gian vận tải biển, giá containers tăng mạnh đang là trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường tại Anh và tận dụng hiệu quả những lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, theo Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; Đầu tư và sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng khởi sắc. Tổng kim ngạch 8 tháng đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 20,6%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 5,05 tỷ USD, tăng 23,5%. Nhập khẩu đạt 521 triệu USD, giảm nhẹ 2%. Thặng dư thương mại đạt 4,5 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu như trên, Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan và Đức.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 4,5%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 4,6%, nhập khẩu đạt 795,5 triệu USD, tăng 3,2%. Thị trường Anh là một trong số nhỏ các thị trường hiếm hoi có số liệu thương mại hai chiều tăng trong bối cảnh sụt giảm mạnh của xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong năm 2023. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thế giới giảm 6,9%, trong đó giảm 4,6% ở thị trường châu Âu và giảm 5,8% đối với các nước trong khối EU.