A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành công nghiệp Hà Lan lo ngại về kế hoạch khí hậu của EU ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của nước này

Ngày 18/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu phát thải nhiều.

EP đã thông qua thỏa thuận đạt được với các nhà đàm phán của các thành viên EU vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để lượng khí thải vào năm 2030 giảm 62% so với mức của năm 2005. Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay và khí thải của ngành vận tải sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.

EP cũng ủng hộ kế hoạch từ năm 2026 từng bước áp thuế nhập khẩu các loại hàng hóa thải nhiều khí carbon gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Loại thuế này, lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo. 

Vừa chỉ trích vừa ủng hộ là những phản ứng của các doanh nghiệp lớn tại Hà Lan đối với Kế hoạch khí hậu của EP. Theo ông Maarten de Vries, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường CE Delft thì Cơ chế này là một mảnh ghép quan trọng trong câu đố về chính sách khí hậu của châu Âu. Một mặt, nó giúp loại bỏ dần các khoản trợ cấp miễn phí để các công ty thực sự chi trả cho lượng khí thải của họ. Mặt khác, nó là động lực cho các quốc gia bên ngoài EU để thắt chặt chính sách khí hậu.

Hiệp hội Năng lượng, Môi trường và Nước (VEMW) về cơ bản cũng ủng hộ cho Cơ chế này, bên cạnh đó cũng có lo ngại về việc triển khai là "đặc biệt phức tạp" vì đối với các sản phẩm được nhập khẩu, phải xác định lượng khí thải CO2 ở nước xuất xứ là bao nhiêu và phải được xác minh. Việc xác định sẽ dễ dàng đối với một số sản phẩm rõ ràng như thép nhưng sẽ phức tạp với các sản phẩm hỗn hợp. Ngoài ra còn các rủi ro khác đến từ nhiều khía cạnh mà các bên có liên quan chưa xác định được.

Tata Steel cũng ủng hộ "một sân chơi bình đẳng" và gọi thuế giới hạn CO2 mới là "bản thân nó tốt", nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu đối với các thị trường bên ngoài châu Âu. Nhà sản xuất phân bón Yara cho rằng thuế CO2 tại biên giới là tích cực vì họ tin rằng giá phát thải carbon cao hơn sẽ kích thích các công ty tìm đến các giải pháp thân thiện với khí hậu nhất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại Yara cho rằng chính những công ty cạnh tranh nhất và thân thiện với môi trường nhất sẽ bị tổn hại, bởi vì họ xuất khẩu rất nhiều trên toàn thế giới.

Hiệp hội sắt thép Hà Lan cho rằng CBAM mang lại cơ hội trong dài hạn để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp kim loại cơ bản của Châu Âu và Hà Lan. Hiệp hội này cũng nhận thấy rủi ro quốc tế khó dự đoán.

NOS không chọn nghiên cứu đánh giá tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp điện, xi măng và hydro vì hiện nay các sản phẩm này được nhập khẩu từ các quốc gia ngoài EU là rất ít.

(Theo tin của Truyền hình quốc gia Hà Lan – NOS)


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website