Ngành Công Thương Thái Nguyên đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Anh
Thái Nguyên kiến nghị, đổi mới cách thức tuyên tuyền về các FTA, trong đó có UKVFTA để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh với thị trường Anh, thấu hiểu văn hóa của thị trường Anh, các tập quán kinh doanh và thay đổi tư duy bán hàng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Lũy kế 10 tháng vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt gần 24 tỷ USD, tăng 7,56% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI vẫn nắm giữ vai trò chủ lực khi chiếm 97,5%, tương đương 23,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh vai trò chủ chốt của Samsung khi ra mắt sản phẩm mới, thì các doanh nghiệp FDI khác đã có những đóng góp tích cực cho tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước liên tiếp chịu tác động từ các cuộc xung đột chính trị cũng như những biến động của nền kinh tế thế giới, chính quyền cũng như các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt điều hành các giải pháp để phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường.
Đáng chú ý, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết được kỳ vọng cũng sẽ mang lại những giá trị tích cực cho lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh. Cùng với đó, với sự nỗ lực, chủ động, đổi mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự linh hoạt, tích cực và sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, xuất khẩu Thái Nguyên có nhiều cơ hội sớm đạt 5,3 tỷ USD trong 2 tháng cuối năm, hoàn thành mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 29,3 tỷ USD trong năm 2024.
Dù vậy, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho rằng, trong quá trình tận dụng và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang vướng phải những rào cản nhất định, đó là những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và Thái Nguyên nói riêng. Sản phẩm cần phải có các giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, đáp ứng những tiêu chuẩn như môi trường, xã hội, phát triển bền vững...
Để tháo gỡ những khó khăn này, ngành Công Thương Thái Nguyên đề xuất, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành liên quan tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là các đơn vị có hoạt động xuất nhập khẩu về chủ trương, đường lối hội nhập kinh tế của Đảng và nhà nước, trong đó bao gồm các FTA mà Việt Nam đã ký kết, lưu ý các FTA có lợi thế đối với các ngành hàng ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Hiệp định UKVFTA.
Cùng với đó, xác định các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong đó quan tâm đối với khối doanh nghiệp địa phương với các sản phẩm: May mặc, cơ khí, sản phẩm nông sản chế biến (trà Thái Nguyên, miến dong…). Để xuất khẩu được thì cần có nghiên cứu về thị trường Anh để nắm bắt được nhu cầu của thị trường Anh đối với các sản phẩm này, và để làm được điều này tỉnh Thái Nguyên rất mong các mong Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương Quốc Anh cung cấp giúp cho tỉnh Thái Nguyên các thông tin về thị trường. Trước mắt là sản phẩm nông nghiệp đối với sản phẩm trà Thái Nguyên, sản phẩm miến dong đã qua chế biến.