A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may trong EVFTA, tiếp cận thị trường EU trong bối cảnh mới

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã mở ra những cơ hội về hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó dệt may – một trong những ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU được đánh giá là được hưởng lợi nhiều. Theo thương vụ Việt Nam Bỉ và EU, để được hưởng những ưu đãi này, dệt may Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ những quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt của EVFTA.

Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may trong EVFTA

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA theo Nghị định thư số 1 được hiểu là: hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực EVFTA được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được một trong hai tiêu chí sau: (i) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Bên và (ii) Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa đã trải qua công đoạn gia công, chế biến đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II của Nghị định thư 1.

Triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024 - DNTT online

Đối với mặt hàng dệt may, EVFTA quy định hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại thị trường EU hoặc tại Việt Nam nhưng sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ (Điều 5 và Phụ lục 2 của Nghị định thư 1).

Quy tắc xuất xứ phổ biến được áp dụng cho sản phẩm dệt may là quy tắc hai công đoạn. Với quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” này, một sản phẩm dệt may được coi là có xuất xứ theo EVFTA khi vải dùng cho sản phẩm đó phải dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU, có nghĩa Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Trung Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang EU và hưởng ưu đãi thuế quan được. Tuy nhiên, để sản xuất ra hàng dệt may, thì phải qua 4 công đoạn chính: sản xuất xơ - sợi - vải - cắt may thành hàng may mặc. Như vậy, theo quy tắc “fabric forward”, có nghĩa là hàng dệt may Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, hàng hóa được phép sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada (các quốc gia mà cả Việt Nam và EU có FTA) để sản xuất sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.

Bên cạnh các quy định điều chỉnh về quy tắc xuất xứ, EVFTA và Nghị định thư 1 còn có các quy định về giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin, C/O) và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Cụ thể:

Về giấy chứng nhận xuất xứ, EVFTA đã xác định mẫu C/O (Mẫu EUR.1). Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa không bắt buộc phải thể hiện trên C/O.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, Hiệp định EVFTA đưa ra 2 thủ tục chứng nhận xuất xứ, bao gồm: (i) Thủ tục cấp C/O do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; (ii) Thủ tục nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Tự chứng nhận xuất xứ là hình thức chứng nhận xuất xứ, mà các FTA thế hệ mới đều hướng tới. Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA được cho là dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng. Điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp chủ động khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa do mình xuất khẩu – thay vì đến cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O. C/O ưu đãi (sau này là Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) chính là Hộ chiếu của hàng hóa xuất khẩu, căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan EU xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan để được hưởng các ưu đãi mà EVFTA mang lại.

Bên cạnh quy tắc chung, Hiệp định EVFTA bổ sung thêm một số quy định về tự chứng nhận xuất xứ như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU: Chỉ có nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định của EU theo hệ thống REX thì mới được tự chứng nhận xuất xứ. Hệ thống REX là hệ thống chứng nhận xuất xứ (Registered Exporter) của EU, được sử dụng để nhà xuất khẩu EU đăng ký, qua đó có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình. Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống này xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX).

- Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Việt Nam áp dụng cả cơ chế cấp C/O truyền thống và tự chứng nhận xuất xứ. Cách thức áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ thay đổi theo giá trị của lô hàng. Cụ thể, với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Ngược lại, với lô hàng có giá trị trên 6.000 Euro, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ). Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi phù hợp và sẽ thông báo trước cho EU.

- Đối với hàng hóa quá cảnh qua nước thứ ba: Theo EVFTA, trong trường hợp quá cảnh qua và chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba ngoài Việt Nam và EU, hàng hóa đó vẫn có thể được chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định. Điều kiện để đáp ứng thủ tục này là nhà nhập khẩu phải xuất trình bộ hồ sơ chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước thứ ba và không bị thay đổi xuất xứ.

Cần hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững

EU là thị trường xuất khẩu truyền thống lớn thứ 2 của Việt Nam khi chiếm 10-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi có hiệu lực. Đây là động lực lớn cho ngành dệt may tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, hiện EU thực hiện chiến lược cho ngành dệt may tuần hoàn và bền vững, tương lai sẽ là mục tiêu chung của ngành dệt may toàn cầu, nhiều quy định về phát triển xanh ra đời áp dụng cho ngành dệt may nhằm tạo ra dòng thời trang bền vững, sản phẩm có thể tái chế, tuần hoàn.

Quy tắc xuất xứ “từ vải” trong Hiệp định EVFTA yêu cầu các công ty dệt, nhuộm trong nước phải đẩy mạnh năng lực sản xuất để có thể giải quyết được điểm nghẽn về tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn nguyên liệu. 

Để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Giải pháp chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may.

Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.

Cơ hội từ EVFTA trong ngắn và trung hạn là rất lớn, do vậy Việt Nam cần xem xét tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường EU.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia. Do vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Các công ty ngoài EU sẽ là người thực hiện phần lớn các chinh sách trong Chiến lược Dệt may của EU, thiết lập giấy phép hoạt động mới cho cả nhà bán lẻ, thương hiệu và nhà cung cấp: nếu không tuân thủ, bạn không thể bán hàng trên thị trường EU hoặc cung cấp cho các công ty tuân thủ. Do vậy, ngành dệt may Việt nam cần quan tâm đến những điều chỉnh hoạt động cần thiết phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội và môi trường ngày càng cao trước thời hạn tuân thủ chính thức của EU.

Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, các doanh nghiệp dệt may cần trọng tâm xây dựng các nhà xưởng, máy móc, chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Nhằm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất; đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ.

Xem xét đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đổi mới các phương pháp thực hành bền vững cũng như đào tạo lực lượng lao động về công nghệ mới.

Chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng của eco-designe.

Doanh nghiệp cần triển khai nghiên cứu các quy định liên quan và trao đổi với các đối tác tại châu Âu để có kế hoạch chuyển đổi từ sớm và có kế hoạch dài hạn.

Các Hiệp hội cần phát huy vai trò hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của EU và phối hợp được các doanh nghiệp trong ngành khai thác thị trường EU trên cơ sở lợi ích lâu dài, bền vững.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website