Nhiều FTA được ký kết, doanh nghiệp tăng tốc tận dụng thời cơ
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đạt được các hiệp định thương mại với các nước lớn còn lại trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như bản thân các quốc gia này cũng đẩy mạnh tìm kiếm FTA với các quốc gia và khu vực trên thế giới, lợi thế này đang mất dần. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc thực hiện những giải pháp cần thiết để hưởng lợi từ FTA.
Đầu tư tăng mạnh vào Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại
Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP đạt 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD vào năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Những thành tựu phát triển vượt bậc đã giúp Việt Nam xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế thế giới, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 35 trên thế giới, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm thuộc loại nhanh nhất thế giới, từ 58,1% năm 1993 xuống còn ở mức 1,93% (tới hết tháng 9 năm 2024). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu sâu rộng khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy. Việt Nam cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới.
Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hay ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều FTA với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 28/10/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), nâng con số FTA mà Việt Nam ký kết với các nền kinh tế lên con số 17. Nổi bật là khi ký kết và thực thi 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì 2 con số, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng.
Thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào trong nước, góp phần tích cực đối với phát triển thương mại, khi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Về tác động theo ngành, đối với lĩnh vực công nghiệp, các FTA góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực.
Đáng chú ý, về quản lý nhà nước, với những cam kết thực thi trong các hiệp định, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - những hiệp định với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư... sẽ góp phần tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực (về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp...) và tạo nên môi trường thương mại công bằng.
EU đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do với các nước lớn trong ASEAN
Năm 1977, ASEAN và Cộng đồng châu Âu (EC) thiết lập quan hệ đối tác đối thoại. Năm 1980, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng lần thứ hai, ASEAN và EU đặt ra mục tiêu về thương mại, kinh tế và phát triển nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai khu vực. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - EU gặp bế tắc do ảnh hưởng của các vấn đề Đông Timor và Myanmar. Năm 1994, quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - EU được khởi động trở lại. Tháng 12/2020, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23, hai bên nhất trí chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU. Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU được thúc đẩy mở rộng bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. EU hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ ba của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ ba của EU. Năm 2023, xuất khẩu của ASEAN sang EU đạt khoảng 160 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của EU vào ASEAN đạt khoảng 98 tỷ USD.
Năm 2022 đánh dấu cột mốc 45 năm quan hệ đối tác đối thoại EU - ASEAN. Tính đến năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng chung của ASEAN là 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Hoa Kỳ). ASEAN hiện là một khu vực kinh tế năng động, nơi sinh sống của hơn 680 triệu người tiêu dùng. Để đảm bảo tiếp cận tốt hơn với các cơ hội tại thị trường giàu tiềm năng này, EU đã bắt đầu đàm phán với ASEAN về FTA giữa hai khu vực từ năm 2007. Sau khi các cuộc đàm phán bị đình chỉ vào năm 2009, EU đã quyết định theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với từng quốc gia thành viên ASEAN.
Cho đến nay, sáu quốc gia đã bắt đầu đàm phán về các FTA song phương với EU: Singapore và Malaysia vào năm 2010; Việt Nam vào năm 2012; Thái Lan vào năm 2013; Philippines vào năm 2015; và Indonesia vào năm 2016. Sau khi Hiệp định thương mại tự do EU và Singapore (EUSFTA) đi vào hiệu lực từ ngày 21/11/2019 và EVFTA đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đạt được các hiệp định thương mại với các nước lớn còn lại trong khu vực ASEAN.
Theo thông tin mới nhất, ngày 30/11/2024 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan đã thông báo kết quả các cuộc đàm phán thành công về FTA giữa Thái Lan và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Dự kiến FTA này sẽ được ký kết vào tháng 1/2025 với mục tiêu tăng cơ hội xuất khẩu và thu hút nhiều nhà đầu tư châu Âu hơn đến Thái Lan.
FTA này bao gồm 15 lĩnh vực toàn diện, ví dụ như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh, tính bền vững và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Pichai cho biết đây là FTA đầu tiên của Thái Lan với một khối thương mại châu Âu, thiết lập các tiêu chuẩn hiện đại và giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững. Dự kiến thỏa thuận này sẽ mở đường cho các thỏa thuận trong tương lai với các đối tác quan trọng khác như EU.
Việt Nam cần tăng tốc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại trong bối cảnh mới
Như đã đề cập, việc tham gia nhiều FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Trong bối cảnh EU tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đạt được các hiệp định thương mại với các nước lớn còn lại trong khu vực ASEAN cũng như bản thân các quốc gia này cũng đẩy mạnh tìm kiếm FTA với các quốc gia và khu vực trên thế giới, những lợi thế của Việt Nam với 17 FTA ký kết với các nền kinh tế trên thế giới đang được dự báo cho thấy những dấu hiệu suy giảm.
Đơn cử, trong tương lai, việc Thái Lan và EFTA ký kết FTA sẽ tác động trực tiếp đến vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU. Do cấu trúc sản phẩm xuất khẩu của hai nước có nhiều điểm tương đồng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn từ phía Thái Lan. Mặc dù Việt Nam từng có lợi thế về giá cả, nhưng ưu đãi thuế quan mà Thái Lan sắp được hưởng sẽ làm giảm thiểu khoảng cách này.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, việc chỉ dựa vào thuế ưu đãi, đất đai và chính sách thông thoáng là chưa đủ. Việt Nam cần chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được một tương lai phát triển bền vững tại đây. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tạo ra một ấn tượng sâu sắc và khác biệt so với các quốc gia khác trong cuộc đua thu hút FDI. Để nổi bật trong cuộc đua thu hút FDI này, Việt Nam cần tìm ra những điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh riêng. Chúng ta không thể chỉ dựa duy nhất vào nguồn lao động, bởi Việt Nam và các nước ASEAN khác đều sở hữu nguồn lao động dồi dào. Nếu Việt Nam không chủ động và nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta có thể bị các đối thủ cạnh tranh trong khu vực vượt mặt.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định: Việc thực thi FTA tại các địa phương còn chưa đồng đều, điều này cho thấy cần phải có một hệ thống đánh giá toàn diện để đo lường hiệu quả của các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index). Các chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được sự phối hợp tích cực từ các bộ, ngành và địa phương trong công tác xây dựng FTA Index. Sự phối hợp đồng bộ này đã giúp cho quá trình xây dựng bộ chỉ số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo tính toàn diện và khách quan của kết quả.
Tuy nhiên, khi xây dựng FTA Index lần đầu tiên nên Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai và xây dựng bộ chỉ số FTA Index, Bộ Công Thương mong muốn xây dựng được một hệ thống phần mềm đồng bộ có thể tính toán FTA Index một cách nhanh chóng, rút ngắn được thời gian và kết nối với Cổng thông tin điện tử về các FTA. “Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và có kết quả đánh giá về tình hình thực thi của các địa phương” - bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết.