Hiệp định EVFTA thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghệ
Xuất khẩu hàng công nghệ đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng. Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực và đưa vào thực thi, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ trong nước.
Những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu sản phẩm công nghệ
Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn diễn ra gay gắt đã tác động sâu rộng; tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư của thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. Ngày 8/10/2024 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III năm 2024. Chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý III năm 2023 lên 52,0 quý III năm 2024.
Kể từ khi có hiệu lực và đưa vào thực thi từ ngày 1/8/2020, EVFTA đang đóng vai trò là cầu nối quan trọng, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) đổ vào Việt Nam. Hiệp định này đã đưa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU lên một tầm cao mới, giúp nước ta trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho thị trường này.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 19,54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 4,28 tỷ USD. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu đạt trên 3,57 tỷ USD, chiếm 14,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, tăng 47,79% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch, tăng 7,49%, đạt trên 3,41 tỷ USD, chiếm 13,82%. Tiếp đến nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng vị trí thứ 3, đạt trên 3,12 tỷ USD, chiếm 12,65%; nhóm hàng Giày dép các loại đạt trên 2,68 tỷ USD, chiếm 10,87%, tăng 11,06%...
Bức tranh tổng thể của thị trường công nghệ trong nước đang có nhiều điểm sáng với những cơ hội mới. Thiết lập một hệ thống tiêu chí đa dạng để thu hút FDI, tập trung vào các yếu tố như địa điểm đầu tư, ngành nghề, quy mô dự án và lĩnh vực hoạt động, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về đầu tư để thu hút FDI mang theo công nghệ cao, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất và khu kinh tế trọng điểm.
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Các dự án đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và các lĩnh vực ưu đãi sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi riêng biệt theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Bên cạnh Luật Đầu tư 2020, hệ thống pháp luật Việt Nam còn có nhiều quy định liên quan đến thu hút FDI kèm theo công nghệ như Luật Công nghệ cao, Luật Đất đai, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu... tạo thành một khung pháp lý toàn diện, hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động đầu tư.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/10/2021, quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, đã đặt ra những tiêu chí rõ ràng về chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc khởi động Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trùng với thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giúp Việt Nam và EU xác định các cơ hội hợp tác và cùng phát triển. EVFTA đang đóng vai trò là một nền tảng vững chắc để Việt Nam thu hút đầu tư công nghệ từ EU, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ minh bạch là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong khoa học và công nghệ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành ngày 16/6/2022 phản ánh nỗ lực tuân thủ những cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quy định trong EVFTA.
Ngày 26/9/2024 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) năm 2024. Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp hạng thứ 44 trên 133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 về đổi mới sáng tạo, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (theo % tổng giao dịch thương mại).
Tiếp tục thu hút đầu tư FDI công nghệ cao trong bối cảnh mới
Báo cáo đánh giá gần đây của Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù có những lợi thế lớn, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.
Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn trong Thỏa thuận Xanh châu Âu tạo ra một hàng rào kỹ thuật khá phức tạp cho các doanh nghiệp. Để hiện thực hóa chiến lược này, EU sẽ ban hành nhiều quy định mới, tiêu biểu là Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP). CEAP sẽ tác động trực tiếp đến 7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng điện tử và công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, vì các sản phẩm công nghệ cao cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU, lộ trình dỡ bỏ thuế quan theo cam kết tại EVFTA sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm chất lượng cao không bị áp thuế của EU được đưa vào Việt Nam nhiều hơn. Nguồn lực hạn chế với các công ty nhỏ hơn và thiếu khả năng công nghệ cao so với các nhà sản xuất EU là hạn chế cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện năng lực để cạnh tranh tốt hơn về chất lượng, chức năng và độ tin cậy.
Bên cạnh những những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu sản phẩm công nghệ, Báo cáo BCI do EuroCham công bố cũng chỉ ra rằng chỉ số chuyển đổi số của Việt Nam cần được tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề như thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Theo Báo cáo BCI, tỷ lệ áp dụng AI/ML (trí tuệ nhân tạo/học máy) ở mức trung bình, với 46,1% doanh nghiệp cho biết đã tích hợp công nghệ này vào hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các dự án triển khai vẫn đang ở giai đoạn đầu, cho thấy tiềm năng lớn trong việc đầu tư vào các dự án số hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào ngày 24/4/2024
Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA nhằm xúc tiến thương mại trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới và EU. Cụ thể, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới, bao gồm cả công nghệ bán dẫn, của các quốc gia trên thế giới, cả những nước đầu tư và những nước thu hút đầu tư, để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm cao độ để phát triển ngành bán dẫn trong nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Gần gây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 5/8/2024 về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những cơ chế chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa trong tạo môi trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực công nghệ. Ngày 5/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với ông Jensen Huang - Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA và chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Việc ký kết Thỏa thuận với NVIDIA trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam trong việc "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – một trong những ngành công nghệ có tiềm năng tạo đột phá, động lực mới thúc đẩy tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo. Đây cũng là thời khắc chuyển giao quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra một môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.