A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, người tiêu dùng EU ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu. Do đó, muốn xuất sang thị trường EU, sản phẩm phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí, trong đó phải đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

EU là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, (Trong đó, nhập khẩu nông sản 190 tỷ USD, thủy sản 50 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD (ITC, 2021). Theo dự báo của EU dự báo năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của EU khoảng 345,14 tỷ USD, tốc độ tăng khoảng 7,16%;  kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của EU khoảng 323.4 tỷ USD tăng 6,44%.

Kim ngạch nhập nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU. EU cũng là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN. EU là khu vực có mức chi cho tiêu dùng thực phẩm lớn, hàng năm EU dành 1000 tỉ Euro cho thực phẩm và đồ uống, chiếm 21,4% tổng chi tiêu của hộ gia đình (11,8% chi tiêu cho lương thực - thực phẩm, 6,8% cho dịch vụ ăn uống, 1,6% cho đồ uống có cồn, và 1,2% cho đồ uống không cồn) (Eurostat, 2020).

Có hiệu lực từ 01/8/2020, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đem lại nhiều cơ hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam khi thuế quan giảm xuống nhưng vẫn đối mặt các khó khăn liên quan đến các quy định rào cản kỹ thuật (SPS, TBT, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ tên xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và các nội dung mới như lao động, minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm xã hội, môi trường, phát triển bền vững…) tại thị trường EU ngày càng có xu hướng tăng lên và thực hiện sâu rộng hơn.

Người tiêu dùng EU ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, xu hướng người tiêu dùng EU đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với nông, lâm, thủy sản nhập khẩu về các vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm; thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, ghi nhãn năng lượng, phúc lợi động vật; và thể hiện trách nhiệm xã hội và thậm chí chấp nhận một số sản phẩm mới lạ từ bên ngoài tiếp cận thị trường EU.

Theo Thương vụ, hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hoàn thiện, đầy đủ và minh bạch, thường xuyên được sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường.

Do đó, để thâm nhập lãnh thổ EU, tất cả loại thực vật sống (bao gồm toàn bộ cây, bộ phận của cây, quả, hoa cắt cành, hạt, v.v.) phải yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định của EU. EU cũng quy định miễn các yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong các trường hợp sau với điều kiện không có nguy cơ lây lan các sinh vật gây hại: Không yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với 5 loại trái cây việc nhập khẩu gồm: dứa, chuối, dừa, sầu riêng và chà là.

EU quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật (Commission Implementing Directive (EU) 2019/523) có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU. Theo quy định EU 2021/1201 Việt Nam được EU liệt kê vào khu vực an toàn dịch bệnh – pest free.

Hàng năm Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), phân tích đánh giá mối nguy, đánh giá sự an toàn cho người tiêu dùng dựa trên độc tính của các loại thuốc bảo vệ thực vật, đưa ra ngưỡng mức tối đa dự kiến áp dụng đối với thực phẩm.

Hệ thống cảnh báo sớm của EU đưa ra thông tin về các đợt đánh giá đang và sắp thực hiện liên quan đến các hoạt chất và MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng hợp pháp đối với hàng hoá thực phẩm) được các bên nước và nhà xuất khẩu quan tâm. Thông tin này nhằm cung cấp cho các bên liên quan quan tâm thông báo trước về những hoạt chất nào đang được xem xét để gia hạn phê duyệt tại EU, các hoạt chất có thể bị hạn chế hoặc không được phê duyệt. Danh sách này không bao gồm tất cả và các chất, các MRL khác đưa vào diện rà soát.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền ở một số nước xuất khẩu, việc đáp ứng các quy định mới đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân lực, xây dựng năng lực và tập trung nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu, quy định, thanh tra và các các yêu cầu bổ sung. Tác động đối với cả khu vực công và tư nhân, đặc biệt ở một số nước thứ ba khi chuỗi giá trị bị yêu cầu áp dụng các yêu cầu đặc biệt đối với xuất khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.

Cho đến nay EU công nhận Việt Nam và được phép xuất khẩu các động vật vào EU. Hiện tại chỉ có các nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam được xuất khẩu sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai mảnh vỏ, ốc, đùi ếch, gelatine, collagen, một vài loại sản phẩm từ chế biến từ sản phẩm phụ động vật, thức ăn vật nuôi trong nhà và mật ong. Việt Nam hiện đang xem xét đăng ký để đưa sản phẩm gia cầm và thỏ vào danh mục được phép xuất khẩu vào EU. Danh sách các doanh nghiệp được EU chấp thuận gần 600 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Thủy sản 523 doanh nghiệp; Nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đùi ếch, ốc: 33 doanh nghiệp; Sản phẩm chế biến động vật geletine, collagen, mật ong: 16 doanh nghiệp.

Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp đối với an toàn thực phẩm bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đầy đủ và minh bạch nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường.

EU áp dụng cách tiếp cận kép trong việc hài hòa luật thực phẩm: hệ thống luật “theo chiều ngang” bao gồm các khía cạnh chung cho tất cả các loại thực phẩm (ví dụ như phụ gia, ghi nhãn, vệ sinh, v.v.) và hệ thống luật “theo chiều dọc” đối với các sản phẩm cụ thể (ví dụ: rượu vang, ca cao và sô cô la, đường, mật ong, nước ép trái cây, mứt trái cây, thực phẩm mới, v.v.). Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiên cứu kỹ khi áp dụng ghi nhãn các sản phẩm, phải tuân thủ các quy định khác nhau. Chẳng hạn, các quy tắc ghi nhãn rượu vang được quy định trong hệ thống luật (theo chiều dọc) nhưng các quy tắc ghi nhãn chất gây dị ứng áp dụng cho rượu vang lại được đặt ra trong quy định ghi nhãn thực phẩm chung (theo chiều ngang) của EU.


Tác giả: Mai Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website