Xây dựng hệ sinh thái, cách tiếp cận mới để khẳng định thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam, tận dụng tối đa FTA
Được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng năm 2024, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu nước ta thời gian qua. Đó là nhờ việc triển khai nhiều giải pháp khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tiếp tục xây dựng, khẳng định thương hiệu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 7,16 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ. Đây là con số tương đối ấn tượng. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện mặt hàng thủy sản của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 160 thị trường. Trong đó có ba thị trường chiếm lưu lượng lớn, phải kể đến đều là những thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương. Nhất là khu vực thị trường CPTPP chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thứ hai là thị trường châu Âu (có EVFTA) chiếm khoảng 10% và thứ ba là thị trường Hàn Quốc với hiệp định VKFTA chiếm khoảng 9%. Cả ba thị trường này đều là những khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD trở lên.
Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, ngoài vấn đề đầu vào, con giống, đơn hàng, thông tin thị trường… thì việc xây dựng thương hiệu là vấn đề mà doanh nghiệp và cả ngành thủy sản cần phải chú trọng, nỗ lực đẩy mạnh. Bởi từ khẩu sản xuất, xuất khẩu chúng ta đều đã làm được, đã hội nhập được và có những “sân chơi” tốt hơn đối thủ đó là nhờ các FTA. Song, để “chơi” và “chơi tốt hơn” trong sân này chúng ta phải có “sức”. “Sức” ở đây chính là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng.
Mỗi mặt hàng xuất khẩu phải có một năng lực cạnh tranh nhất định. Năng lực cạnh tranh gắn liền với chất lượng hàng hóa, với những trách nhiệm về xã hội và môi trường… những yêu cầu này, các doanh nghiệp và ngành thủy sản đều đã phải trải qua trong hơn 10 năm vừa qua để đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.
Nhưng ở đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu sẽ gắn với những quyết định, những câu chuyện nhập hàng, bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam để phân phối ở các thị trường châu Âu hay châu Mỹ. Thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng sẽ gắn với quyết định mua hàng của nhà bán lẻ hay chi phối và quyết định nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường mua hàng hóa có thương hiệu để biết được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa…
Trong thời gian tới, ngành thủy sản phải tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu. Để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Xây dựng thương hiệu không thể làm trong ngày một, ngày hai, mà cần một quá trình. Xây dựng thương hiệu từ trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu, từ người nuôi trồng, đến chế biến, xuất khẩu… Thương hiệu hàng hóa sẽ quyết định đến nhu cầu của người mua, từ người tiêu dùng đến người bán lẻ cho đến nhà nhập khẩu.
Hệ sinh thái - cách tiếp cận mới cho ngành thuỷ sản
Khi tham gia FTA có nhiều thách thức cần giải quyết, nhưng có những việc bộ, ngành, doanh nghiệp không thể tự giải quyết một mình mà cần một hệ sinh thái, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh. Ông cho biết, Bộ Công Thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Trong hệ sinh thái FTA này có hai cấu phần cơ quan quản lý và cấu phần doanh nghiệp - đây là "linh hồn" vận hành các ý tưởng, kế hoạch. Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng; nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiệp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong một chuỗi quy trình sản xuất, xuất khẩu, một một chủ thể không thể giải quyết được hết vấn đề. Vì vậy, chúng ta phải phối hợp cùng nhau, cùng chung một mục đích làm sao để gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và cố gắng để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA mang lại.
Về phía Hiệp hội VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh rằng, ở đây chúng ta cần phối hợp, kết hợp để trở thành một hệ sinh thái, các chủ thể cùng tham gia vào quá trình sản xuất, xuất khẩu để cùng nhau giải quyết những vấn đề vướng mắc, để đi tới mục đích cuối cùng là gia tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn các FTA.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam rất ủng hộ và cũng rất muốn tham gia vào mô hình xây dựng hệ sinh thái FTA cho các ngành hàng, trong đó có thủy sản. Trước mắt, như Bộ Công Thương chia sẻ trước đó, chúng ta sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng. Ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ quan điểm và khẳng định, Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan tham gia vào xây dựng mô hình hệ sinh thái FTA để góp phần giải quyết dứt điểm các bài toán thực tiễn của ngành thủy sản.
Sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đều hướng đến mục đích chung đó là giải quyết được bài toán nội bộ, để gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA.
Các FTA đã tạo ra được những “sân chơi” lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đây là những điểm thuận lợi và chúng ta phải cố gắng giành, giữ thị phần. Hiệp hội sẽ đóng vai trò tích cực trong các Tổ công tác để xây dựng mô hình hệ sinh thái này. Các địa phương, doanh nghiệp thủy sản cũng mong muốn hệ sinh thái FTA này sớm vận hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam.