A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo bệ phóng cho mặt hàng cà phê đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường CPTPP

Bước sang năm 2024, xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang các thị trường thành viên Hiệp định CPTPP tiếp tục có những bước tiến ấn tượng nhờ việc tận dụng tối đa các lợi thế từ CPTPP để gia tăng thị phần và củng cố vị thế tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Canada, Mexico, và Úc.

Tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, việc tham gia các FTA đang là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng của các thị trường này. Đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - là FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác) đang hỗ trợ các DN Việt Nam có thể tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu vào nhiều thị trường khác.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang thị trường CPTPP trong tháng 6/2024 đạt 49,1 triệu USD, tăng 4,42% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 14,49% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 373 triệu USD, tăng 26,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam ra thế giới và chiếm 1,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường CPTPP.

Trong số các thị trường thành viên CPTPP, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản lớn nhất, đạt 26,35 triệu USD vào tháng 6/2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 238,84 triệu USD, tăng 48,16% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 64,03% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP, cải thiện hơn so với mức tỷ trọng 54,76% của cùng kỳ năm 2023.

Đây là kết quả của việc tối ưu hóa các ưu đãi thuế quan và sự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam không chỉ chú trọng đến việc cải thiện quy trình sản xuất mà còn đầu tư vào việc phát triển các dòng sản phẩm cà phê đặc sản, hữu cơ và hòa tan có giá trị gia tăng cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, ngành xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, một phần nhờ vào sự kết hợp của nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển này. Trước hết, nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm cà phê chế biến trên toàn cầu, đặc biệt là cà phê hòa tan và cà phê rang xay, đã tạo ra một cơ hội lớn cho Việt Nam. Người tiêu dùng quốc tế đang chuyển hướng sang các sản phẩm tiện lợi và có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sống nhanh và bận rộn của cuộc sống hiện đại. Việt Nam, với nguồn nguyên liệu dồi dào và truyền thống lâu đời trong ngành cà phê, đã nhanh chóng thích nghi và phát triển các dòng sản phẩm cà phê chế biến để đáp ứng xu hướng này. Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến và cải thiện chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng cà phê chế biến. Họ không chỉ tập trung vào việc giữ gìn hương vị đặc trưng của cà phê Việt Nam mà còn chú trọng đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên thị trường quốc  tế.

Xây dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê

Song trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế. Sản xuất cà phê tại Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất...

Theo đó, việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam nhằm kích thích và khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất cà phê; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi với các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng; tăng cường sự hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu, vì vậy, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật là sự thiếu gắn kết giữa các chủ thể tham gia vào quá trình xuất khẩu và tận dụng FTA. Do đó, để tận dụng FTA hiệu quả, theo ông Ngô Chung Khanh, các doanh nghiệp ngành cà phê cần lập nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan liên quan; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…) chú ý nhiều hơn đến sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu; tập trung nâng cao chát lượng, chú ý phát triển bền vững.

Đáng lưu ý, hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch; từ đó quyết liệt hơn trong công tác điều hành sản xuất để khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế và tạo ra công cụ, lực đẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho ngành cà phê Việt trong thời gian tới.


Tác giả: Hương Nguyễn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website