A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng kết nối, tận dụng UKVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu quế Yên Bái

Với 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP, UKVFTA, RCEP đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Nhiều tiềm năng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới với diện tích khoảng 180.000ha. Từ năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu, với các thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Mỹ... Trong đó, Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, với trên 81.000 ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên với 45.200 ha - chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh.

Quế Văn Yên được trồng ở 25/25 xã, thị trấn của huyện, với tổng diện tích trên 55.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000ha, diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận 7.281 ha. Trên địa bàn huyện Văn Yên có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế. Hằng năm, riêng huyện Văn Yên gieo ươm trên 40 đến 50 triệu cây giống quế, cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện. Tổng sản lượng quế vỏ khô đạt trên 6.000 tấn/năm, sản xuất lá quế trung bình 65.500 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt trên 60.000 m3/năm.

Hiện, Yên Bái đã xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên và phát triển được vùng nguyên liệu khoảng 100.000 ha quế. Diện tích lớn là một lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế.

Toàn tỉnh Yên Bái đã có đến 17 doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chính từ quế và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. Cây quế đã được thu mua, chế biến từ lá, cành, vỏ, gỗ. Từ đó sản xuất ra các sản phẩm như vỏ vụn, gỗ ván, gỗ thanh, gỗ băm, viên nén... đến tinh dầu quế, quế ống, quế sáo và các sản phẩm mỹ nghệ từ quế...

Do đó, quế là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ sang các thị trường truyền thống, mà còn có thể khai thác sang các thị trường mới với nhiều tiêu chuẩn cao hơn.

Ngoài ra, với 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP, UKVFTA, RCEP đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ năm 2021. Kể từ khi có UKVFTA, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.

Thông qua Hiệp định, Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ, quế... có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu chung của tỉnh đã dần ổn định và tăng tưởng, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 7 tháng năm 2024 đạt 236 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng nông lâm sản chế biến ước đạt 82 triệu USD, riêng mặt hàng quế xuất khẩu trực tiếp ước đạt 2,1 triệu USD, xuất khẩu gián tiếp đạt 10,27 triệu USD. 

Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, giá trị này còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh và giá trị của cây quế Yên Bái. Cùng với đó, hiện nay, các sản phẩm quế của đa số các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao… 

Đặc biệt, thị trường cũng đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm quế với một số yêu cầu cơ bản như: Tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững, kể cả các yếu tố môi trường, xã hội; đảm bảo chất lượng, kể cả việc kiểm soát và đáp ứng yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm) theo quy định thị trường; nhu cầu phân khúc hàng hữu cơ, sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ sức khoẻ… ngày càng lớn.

Để có những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng giá trị của sản phẩm quế, theo các chuyên gia, cần có biện pháp từ khâu cây giống đến thành phẩm xuất khẩu, sự kết hợp của chuỗi cung ứng, tiêu thụ trên toàn quốc…

Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, ngành quế Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới. Cần có thêm các nghiên cứu khoa học để kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định mức dư lượng tối đa, tìm kiếm các giải pháp xử lý sâu bệnh phù hợp. Khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế và có biện pháp, chế tài kiếm soát hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không hợp pháp, không có trong danh mục quản lý của nhà nước. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ở quy mô quốc gia cho gia vị Việt Nam là điều hết sức cần thiết…

Trong khi đó, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, nhằm tạo đòn bẩy, thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến, quy trình sản xuất, vốn và công nghệ, xây dựng thương hiệu...  cần tăng cường xây dựng kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội, hợp tác xã và người dân, từ đó xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế của Yên Bái cũng như các địa phương vốn có thế mạnh đối với mặt hàng này.

Theo dự thảo Đề án Hệ sinh thái tận dụng các FTA, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA (trong đó có Hiệp định UKVFTA); xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp). Tất cả chủ thể tham gia hệ sinh thái này đều có lợi ích.

Lợi ích đối với hộ nông dân trồng quế khi tham gia hệ sinh thái tận dụng các FTA chính là được hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia Hệ sinh thái; được hỗ trợ tư vấn canh tác đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; được bảo đảm đầu ra theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trong Hệ sinh thái; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình canh tác. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu… sẽ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia Hệ sinh thái; được tư vấn tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng…; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh trong và ngoài nước… Ngân hàng có thể giải ngân nguồn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính; đa dạng khách hàng thay vì tập trung một số nhóm khách hàng trước đây; có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan địa phương và trung ương; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh trong và ngoài nước…


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website