A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều nền kinh tế bày tỏ sự quan tâm và nguyện vọng tham gia Hiệp định RCEP

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới và sự chậm lại của thương mại toàn cầu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện RCEP vẫn Sau khi đi vào hiệu lực ở năm thứ 3, Hiệp định  tiếp tục nhận được sự quan tâm về việc gia nhập của một số nền kinh tế.

Sức hút của Hiệp định lớn nhất thế giới 

Theo thông tin của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Chile và Bangladesh là nền kinh tế thứ 3 và thứ 4 có các hành động thể hiện sự quan tâm và nguyện vọng tham gia Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP. Vào giữa tháng 6 năm 2024, Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile, bà Claudia Sanhueza Riveros, đã trao thư chính thức xin gia nhập RCEP. Trong khi đó, mới đây ngày 14 tháng 10 năm 2024 Bộ Thương mại Bangladesh đã có đã gửi thư chấp thuận tới Bộ Ngoại giao nước này về việc Bangladesh tham gia Hiệp định RCEP. Đây là bước đi chính thức đầu tiên của Bangladesh để xin gia nhập Hiệp định RCEP.

Nếu thành công xin gia nhập Hiệp định, Chile sẽ trở thành nền kinh tế đầu tiên ở khu vực Nam Mỹ tham gia Hiệp định RCEP. Là một quốc gia có độ mở nền kinh tế khá lớn, với 33 hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán, bao phủ 65 nền kinh tế và chiếm 88% GDP thế giới theo Cục Quản lý Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Chile dự kiến có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào Hiệp định RCEP. Nước này đang theo đuổi nền kinh tế thị trường mở và tự do, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại. Việc Chile gia nhập RCEP dự kiến sẽ mở rộng phạm vi của hiệp định thương mại này đến Nam Mỹ, khu vực mà các nước ASEAN chưa có FTA với nước nào.

Trong khi đó, Bangladesh được cho là sẽ mất đi các ưu đãi về thương mại nước này đang được hưởng kể từ năm 2026 khi nước này ra khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất (LDCs). Đây là lí do quan trọng để Bangladesh chủ động xin tham gia Hiệp định RCEP. Theo đánh giá tác động tham gia Hiệp định RCEP của Bộ Thương mại Bangladesh, dự kiến GDP của quốc gia này sẽ tăng 0,26 phần trăm nếu tham gia RCEP.

Trước đó, Hong Kong và Sri Lanka đã thông báo với Ban thư ký ASEAN về mong muốn tham gia Hiệp định RCEP. Lần lượt 2 nền kinh tế này đã nộp đề xuất xin gia nhập bằng văn bản vào tháng 01 năm 2022 đối với Hong Kong và tháng 6 năm 2023 đối với Sri Lanka.

Việc tiếp tục có thêm các nền kinh tế bày tỏ sự quan tâm và xin gia nhập Hiệp định RCEP cho thấy sự công nhận về lợi ích và cơ hội của Hiệp định này tiếp tục được củng cố mặc dù trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới và sự chậm lại của thương mại toàn cầu. Bất chấp điều kiện không quá thuận lợi của thương mại thế giới, kim ngạch thương mại nội khối RCEP vẫn tăng 5,6 nghìn tỷ USD năm 2023, tăng nhẹ so với năm 2021 trước thời điểm Hiệp định RCEP có hiệu lực, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 (AEM56) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Viêng Chăn, Lào vào tháng 9 năm 2024, các nước thành viên RCEP đã tiếp tục thảo luận và hướng thống nhất hoàn tất Quy trình gia nhập Hiệp định RCEP (AP). Theo quy định tại Hiệp định RCEP, Hiệp định RCEP sẽ cho phép nền kinh tế mới có thể tham gia Hiệp định sau 18 tháng kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Quy trình gia nhập Hiệp định RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng để các nước thành viên Hiệp định RCEP có thể chính thức bắt đầu quá trình xem xét cân nhắc các đơn xin gia nhập Hiệp định RCEP của một số nền kinh tế.

Tận dụng cơ hội để hóa giải thách thức  

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được xem là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia thành viên thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Các chuyên gia nhận định RCEP đặt ra không ít thách thức đối với từng quốc gia, song cũng có tiềm năng tạo ra những cơ hội lớn. 

Theo phân tích của giới chuyên gia, RCEP sẽ hướng tới tạo dựng thêm không gian kinh tế và lựa chọn cho doanh nghiệp, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN. Không chỉ tiếp cận thị trường lớn, có quy mô GDP gấp đôi hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu .

Với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối, Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ không chỉ từ các quốc gia ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối. Năm 2018, ngân hàng Thế giới (WB) nếu quyết liệt cải cách, GDP và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng tương ứng 1,0% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP. Nó gia tăng cơ hội phục hồi xuất khẩu - một ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra nếu biết khai thác triệt để các lợi ích do Hiệp định  mang lại.

Song, theo phân tích của giới chuyên gia, một trong những thách thức lớn của RCEP đối với các quốc gia thành viên là sự đa dạng về mức độ phát triển kinh tế và hệ thống thuế quan. Mặc dù các cam kết về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan trong RCEP thường không vượt quá những gì đã được ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, việc áp dụng các biểu thuế đa dạng giữa các đối tác vẫn tạo ra sự phức tạp đáng kể.

Bên cạnh đó, RCEP còn đưa ra các quy tắc xuất xứ đơn giản hơn, đặc biệt là đối với ngành dệt may, cho phép tích lũy nguyên liệu trong khu vực. Tuy nhiên, sự đơn giản hóa này có thể không mang lại lợi ích tối đa cho các nước như Việt Nam nếu không có chiến lược phát triển chuỗi giá trị nội địa hiệu quả.

Ngoài ra, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu vẫn ở mức liên kết ngược, tức là nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện từ các quốc gia khác để lắp ráp, thay vì tạo ra giá trị gia tăng từ sản phẩm xuất khẩu. Thực trạng này có thể hạn chế khả năng tận dụng cơ hội từ RCEP để phát triển sản xuất nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, một số khuyến nghị được các chuyên gia đề xuất, để các nước trong khu vực bao gồm cả Việt Nam để hóa giải thách thức trở  thành động lực tăng trưởng. Đó là các quốc gia cần coi RCEP như một động lực để nâng cấp thể chế, tăng cường năng lực cạnh tranh nội địa, và cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chiến lược. Đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia thành viên để thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng khả năng cạnh tranh chung. Xây dựng chiến lược phát triển bền vững, bao gồm các yếu tố như bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chuẩn lao động, và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh.

Việc tận dụng tốt những cơ hội từ hiệp định này phụ thuộc lớn vào khả năng thích nghi và cải cách của từng quốc gia. Để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện, các quốc gia thành viên cần có chiến lược rõ ràng, tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và đồng thời giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng từ việc hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website