A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm trực tuyến: Nhận định chính sách thương mại của Hoa Kỳ

Sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 tại Hoa Kỳ, khi nhìn về tương lai, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng, bối cảnh đã một lần nữa thay đổi và quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đứng trước những thử thách và cơ hội rộng mở trong những năm tới.

Về thách thức

Hiện nay trong quan hệ kinh tế thương mại song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam đang đối diện với 3 thách thức lớn:

(i) Thặng dư thương mại tăng mạnh cả về tỷ trọng và tốc độ;

(ii) Hoa Kỳ vẫn xác định Việt Nam nằm trong danh sách các nền kinh tế phi thị trường;

(iii) Với độ mở nền kinh tế lớn, tham gia vào nhiều Hiệp định Thương mại song phương và đa phương, Việt Nam chính là cửa ngõ để hàng hóa nước thứ 3 lẩn tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ;

Vì vậy, áp lực tìm kiếm các giải pháp để giảm đáng kể thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có thể bao gồm mục tiêu đạt được sự có đi có lại trong biểu thuế quan tương ứng, cũng như giải quyết các vấn đề trung chuyển và gian lận nguồn gốc xuất xứ là những thách thức là có thật, phức tạp và nhiều khả năng xảy ra.

Về cơ hội

- “Trong nguy có cơ”, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi đón được làn sóng chuyển dịch sản xuất của các nhà đầu tư toàn cầu thông qua việc tận dụng lợi thế vị trí địa chính trị và vai trò đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ; cũng như chen chân được vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đón dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, hàng không vũ trụ…

- Việt Nam có thể đặt mục tiêu đạt được sự công nhận nền kinh tế thị trường thông qua việc chủ động khởi xướng đàm phán với Hoa Kỳ nhưng cần xác định phương án cụ thể nhằm xử lý hài hòa lợi ích của cả hai nước.

Trụ cột kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ từ khi thiết lập quan hệ kinh tế năm 1994, trở thành động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm nông sản (cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gạo), hàng may mặc, giày dép, hải sản (tôm, cá basa) và linh kiện điện tử, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với các dự án nổi bật như Intel (1,5 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD), cùng sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn như Synopsys, Nvidia, và Marvel. Trong quý III/2024, Việt Nam thu hút 27,78 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy Hoa Kỳ cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Dưới thời tổng thống Donald Trump 2.0, Hoa Kỳ có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo hộ như kiểm soát nhập khẩu, áp thuế quan và đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa và giảm phụ thuộc của toàn chuỗi cung ứng vào Trung Quốc; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo, đồng thời khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nội địa qua chính sách "Buy American." Trên phương diện quốc tế, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách ưu tiên hợp tác, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bà Virginia Foote- AmCham Hanoi Vietnam (thành viên); President and CEO công ty Bay Global Strategies LLC

Chính sách thương mại của Hoa Kỳ mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại xanh, chuỗi cung ứng bền vững và giảm phát thải carbon. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, với các hoạt động thiết kế vi mạch (Fabless) và lắp ráp, kiểm tra (OSAT). Hoa Kỳ cũng hỗ trợ đáng kể thông qua Đạo luật CHIPS & Science, giúp Việt Nam đào tạo nhân lực và phát triển ngành bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức như nguy cơ áp thuế trừng phạt do thặng dư thương mại lớn, các tiêu chuẩn khắt khe từ Hoa Kỳ và sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ hay Mexico.

Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cải tiến công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và phát triển chiến lược dài hạn để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Hoa Kỳ. Sự linh hoạt và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam không chỉ củng cố vị thế đối tác quan trọng của Hoa Kỳ mà còn đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Để làm rõ hơn những cơ hội và thách thức trong những năm tới, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Nhận định về chính sách thương mại của Hoa Kỳ".

Tham dự Tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

- Ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp Hội Da giầy, Túi sách Việt Nam

- Ông Nguyễn Hoài Bảo- Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)

- Bà Virginia Foote- AmCham Hanoi Vietnam (thành viên); President and CEO công ty Bay Global Strategies LLC

Chi tiết tọa đàm, xem tại đây: talk 1.mp4 - Google Drive


Nguồn:Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website