A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Cụ thể, trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, mặc dù giảm 11% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 24,9%); trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%.  Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.

32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,57 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,37 tỷ USD, giảm 15%. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước tăng 10,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 7,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,4%.

Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022.

Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 18,9%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%.

Trong 9 tháng, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu , trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu cả nước (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6% (giảm 0,6 điểm phần trăm); nhóm hàng thủy sản chiếm 3% (tăng 0,4 điểm phần trăm); nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, (tăng 0,3 điểm phần trăm). Cụ thể:

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng 37,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu gạo tăng tới 19% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 243 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón các loại tăng 170%;  hóa chất, tăng 44%; sản phẩm hóa chất tăng 33%; Túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 40%; Hàng dệt và may mặc tăng 24%; Giầy, dép các loại tăng 36,6%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 10,7%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 38,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 29,8%; Dây điện và cáp điện tăng  14%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12%; Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 48%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 9 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 106,8%; dầu thô tăng 40%; xăng dầu các loại tăng 45%).

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng KNXK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK ước đạt 40 tỷ USD nhưng do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; mặc dù vậy, nhập siêu từ Trung Quốc là 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8% và xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 26 tỷ USD, tăng 25,7%, tuy nhiên nhập siêu từ ASEAN là 9,3 tỷ USD, giảm 1,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3% nhưng nhập siêu từ Hàn Quốc là 29,6 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 21,6%, do vậy xuất siêu sang Nhật Bản ước tính đạt 10 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD).

Về nhập khẩu hàng hóa

Tháng 9/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước nhưng tăng 6,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19 tỷ USD, giảm 8,3%.  

Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.

Có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).

Trong 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 19,8%; ASEAN ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 8,9%; EU ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 8,4%; Hoa Kỳ ước đạt 11 tỷ USD, giảm 6%.

Xác định từ nay đến cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết; Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.


Tin nổi bật

Liên kết website