A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu rau củ sang EU: Tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA

Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 vào khoảng 235 triệu USD.

Theo giới chuyên gia, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế khi vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ Thái Lan và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là, các doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế từ các cam kết trong Hiệp định EVFTA như thế nào để tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển thị trường và để các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau có thể thâm nhập sâu vào thị trường khó tính này. 

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn Covid-19 mặc dù các hoạt động giao thương gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu rau quả bị giảm sút do các chính sách kiểm soát dịch của một số thị trường, nhưng vẫn nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Sau khi dịch được kiểm soát và các thị trường mở cửa trở lại, rau quả được kỳ vọng sẽ phục hồi và gia tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Đáng lưu ý, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,37 tỷ USD. Trong đó, nhóm trái cây tươi, thanh long chiếm tỷ trọng lớn nhất và tiếp đến là sầu riêng, chuối, mít… Với nhóm rau, ớt chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là đậu các loại, bắp non, khoai tây.

Ảnh minh họa

Năm 2022, nhiều loại trái cây cũng được thị trường đón nhận như: chanh leo, sầu riêng, chuối xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; bưởi vào thị trường Mỹ; chanh xanh và bưởi vào New Zealand; nhãn tươi vào Nhật Bản.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 vào khoảng 235 triệu USD.

Trị giá tăng cao do giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 2.723,1 Euro/tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể sản xuất được rau, quả quanh năm với các loại rau quả rất đa dạng. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc.

Một số giải pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA

EVFTA có nhiều cam kết có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường xuất nhập khẩu rau quả với thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan của EVFTA để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:

Tìm hiểu cam kết thuế quan của Việt Nam và EU trong Phụ lục 2-A của Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Cần lưu ý là các cam kết trong EVFTA là cam kết tối thiểu của mỗi bên. Trong đó với rất nhiều sản phẩm Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu của mình trong từng thời kỳ, Việt Nam hoặc EU có thể cắt giảm nhanh hơn so với cam kết trong EVFTA. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan EVFTA mà mỗi bên áp dụng đối với một sản phẩm trong một thời điểm nhất định cần căn cứ vào quy định nội địa hiện hành của bên đó.

Ngoài ra, cần lưu ý là trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp vẫn được tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan GSP. Do đó doanh nghiệp vẫn được lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế quan EVFTA hay GSP, áp dụng cơ chế nào thì phải đáp ứng được quy tắc và thủ tục xuất xứ của cơ chế đó.

Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA trong Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định về Quy tắc xuất xứ của EVFTA trong Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Phòng vệ thương mại (Chương 3), Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 4), TBT (Chương 5), SPS (Chương 6), Đầu tư (Chương 8), Sở hữu trí tuệ (Chương 12) …

Ngoài các vấn đề về thuế quan và thủ tục xuất xứ, khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…. Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe, và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật. Biện pháp trừng phạt nếu bị phát hiện vi phạm lại rất nghiêm khắc, không chỉ khiến doanh nghiệp vi phạm thiệt hại mà còn có thể ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp khác có sản phẩm tương tự. Do đó, việc tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu liên quan, thường xuyên cập nhật thông tin về các yêu cầu này và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đặc biệt chú trọng.

 


Tác giả: An An

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website