A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện hành lang pháp lý trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA

Quá trình thực thi Hiệp định EVFTA Việt Nam được đánh giá là tận dụng tương đối hiệu quả từ góc độ thương mại, đầu tư cũng như xây dựng pháp luật bảo đảm tuân thủ cam kết.

Theo đánh giá của Trung tâm WTO - VCCI, về công tác xây dựng pháp luật thực thi EVFTA, rà soát cho thấy trong 02 năm qua, đã có tổng cộng 09 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhằm thực thi các cam kết cụ thể trong 06 Chương và 01 Nghị định thư của Văn kiện EVFTA. Ngoại trừ 01 nhóm cam kết chưa tới lộ trình thực thi (liên quan tới hàng tân trang) và 01 nhóm cam kết đã nội luật hóa nhưng chưa có cơ chế thực thi (liên quan tới quyền tự do liên kết của người lao động), tất cả các cam kết EVFTA đã được “nội luật hóa” và bảo đảm tương thích thông qua 09 văn bản này.

Hoàn thiện các thủ tục để sớm đi vào thực thi Hiệp định EVFTA

Về cách thức, các cam kết EVFTA được chuyển hóa vào pháp luật Việt Nam thông qua việc xây dựng văn bản mới, điều chỉnh vấn đề riêng của EVFTA (ví dụ các Nghị định về Biểu thuế ưu đãi, chứng nhận gạo thơm; các Thông tư về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại), sửa đổi văn bản hiện hành điều chỉnh riêng về FTA (Nghị định về đấu thầu mua sắm gói thầu FTA), hoặc sửa đổi, bổ sung vào văn bản hiện hành điều chỉnh chung (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định về thủ tục hải quan).

Liên quan tới quy trình soạn thảo, rà soát cho thấy quá trình soạn thảo các văn bản này tiến hành minh bạch, đúng trình tự thủ tục quy định, các dự thảo đều được đăng công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, chỉ có 07/09 văn bản gửi lấy Ý kiến tham vấn doanh nghiệp qua VCCI. Nhiều Ý kiến của doanh nghiệp thông qua VCCI (đặc biệt liên quan tới Nghị định về chứng nhận gạo thơm và Thông tư về phòng vệ thương mại) đã được các Ban soạn thảo tiếp thu.

Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, ngoại trừ Thông tư về quy tắc xuất xứ EVFTA được ban hành trước khi Hiệp định có hiệu lực, tất cả các VBQPPL khác thực thi EVFTA đều ban hành sau thời điểm hiệu lực ngày 01/8/2020. Mặc dù tất cả đều được soạn thảo với tiến độ nhanh hơn thông thường, nếu so sánh với mốc 01/8/2020 theo yêu cầu EVFTA thì trung bình mỗi văn bản này ban hành chậm 278 ngày. Tuy nhiên, tất cả đều bảo đảm tuân thủ thời hạn hiệu lực theo Hiệp định thông qua các quy định về hồi tố, về việc áp dụng trực tiếp, hoặc là quy định tận dụng quyền theo cam kết. Mặc dù vậy, việc các văn bản hướng dẫn thực thi ban hành chậm đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng tận dụng các lợi ích từ Hiệp định của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đầu. 

Về tính thống nhất, tất cả các quy định trong 09 văn bản trên đều bảo đảm phù hợp với Hiến pháp (hợp hiến), phù hợp với các quy định pháp luật trong văn bản cấp cao hơn, đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức (hợp pháp), và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan.

Về mức độ tương thích với cam kết EVFTA, ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu, phần lớn các quy định trong các VBQPPL này đều tương thích với cam kết EVFTA mà chúng “nội luật hóa” (đặc biệt là về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại…). Một số trường hợp còn thực hiện các cam kết ở mức cao hơn yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (ví dụ: các yêu cầu minh bạch hóa trong thủ tục đấu thầu). Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp chưa hoàn toàn bám sát cam kết (ví dụ: thay đổi điều kiện áp dụng so với cam kết về đình chỉ bảo hộ nhãn hiệu đã trở thành tên gọi chung), hoặc hiện trạng pháp luật chưa bảo đảm việc thực thi cam kết EVFTA trên thực tế (ví dụ: pháp luật về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, pháp luật về kiểm tra chuyên ngành).

Về tính minh bạch và khả thi, hầu như tất cả các quy định đều được thiết kế hợp lÝ, ràng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi trên thực tế. Mặc dù vậy, vẫn còn một số ít trường hợp chưa hoàn toàn hợp lÝ, minh bạch, có thể dẫn tới khó khăn trong quá trình áp dụng hoặc hạn chế quyền mà lẽ ra doanh nghiệp có thể được hưởng theo cam kết (ví dụ cách thiết kế hệ thống quy định pháp luật đấu thầu độc lập cho các gói thầu FTA; điều kiện chậm nộp chứng từ xuất xứ hưởng ưu đãi EVFTA; quy định không phân biệt các trường hợp lỗi vô Ý/cố Ý trong bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…).

Như vậy, từ góc nhìn của doanh nghiệp, theo VCCI, trong những năm đầu có hiệu lực, EVFTA đã được thực thi tương đối hiệu quả cả từ góc độ thương mại, đầu tư cũng như xây dựng pháp luật bảo đảm tuân thủ cam kết. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế cản trở doanh nghiệp hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng từ Hiệp định. Do đó, trong giai đoạn thực thi tiếp theo, cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách của Nhà nước cũng như trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp. Từ góc độ Nhà nước, bên cạnh yêu cầu kỹ thuật về việc điều chỉnh một số quy định, cơ chế thực thi EVFTA cho phù hợp và thuận lợi hơn, cần có sự chuyển hướng công tác hỗ trợ về thông tin về EVFTA và các FTA cho doanh nghiệp (theo hướng thông tin chi tiết, chính xác, cập nhật theo nhu cầu doanh nghiệp và có thể tiếp cận dễ dàng), và thực chất hơn trong các hoạt động hỗ trợ khác cho doanh nghiệp (hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, kết nối và bảo vệ doanh nghiệp). Về phía doanh nghiệp, sự chủ động trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp là điều kiện cần, và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các lợi ích từ EVFTA hay các FTA nói chung. Trong khi đó, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, sẽ là yếu tố trợ lực có Ý nghĩa để việc tận dụng các cam kết hội nhập của doanh nghiệp được hiệu quả, an toàn và bền vững hơn.


Tác giả: An Hưng

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website