Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương miền núi xuất khẩu nông sản
Cung cấp thông tin về thị trường, đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại là các giải pháp để Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa xuất khẩu nông sản thế mạnh.
Nhiều sản phẩm thế mạnh của miền núi vươn ra thế giới
Là sản phẩm được phía Trung Quốc mới cấp phép nhập khẩu chính ngạch, sầu riêng đã vươn lên trở thành “quán quân” trong nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu với kim ngạch tăng cao hàng năm. Đặc biệt, người dân ở các khu vực Tây Nguyên, miền núi cũng được lợi rất lớn khi sản phẩm tăng giá.
Ông Trần Văn Chiến, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Krông Pắc cho biết, những năm qua, người nông dân luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và HTX được cấp mã vùng trồng với diện tích 30 ha, sản lượng khoảng 450 tấn thì đầu ra đã được các doanh nghiệp thu mua ổn định với giá khá cao (trên dưới 70.000 đồng/kg).
“Khi những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch từ Đắk Lắk lên đường vào cuối năm 2022, nông dân ở đây phấn khởi lắm và đặt kỳ vọng nhiều vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn này. Nếu các khâu đều làm tốt thì chắc chắn giá sẽ ổn định, thu nhập người nông dân sẽ tăng cao”.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đứng thứ hai của cả nước (sau tỉnh Tiền Giang), với trên 15.000 ha, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn. Việc sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đang mở ra cơ hội rất lớn cho nông dân trồng sầu riêng nơi đây khi giá sầu riêng luôn được duy trì ở mức trên 70.000 đồng/kg và không lo bị ách tắc đầu ra.
Cùng với sầu riêng, nhiều năm qua, nhiều địa phương miền núi đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản ra thị trường thế giới. Những năm vừa qua, xuất khẩu luôn là điểm sáng của nền kinh tế. Đóng góp cho thành tích đó là rất nhiều sản phẩm hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm hàng hoá của vùng núi, vùng còn khó khăn, có thể kể đến như vải thiều Lục Ngạn, nhãn và xoài của Sơn La... Bà Trần Thị Thanh Bình – Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết: “Chúng tôi rất mừng vì bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã biết và tham gia hoạt động xuất khẩu nông sản, góp phần quan trọng vào kinh tế nông nghiệp, đảm bảo lợi ích và thu nhập cho bà con”.
Nhìn chung, xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu nông sản miền núi nói riêng có một thuận lợi là đó là mặt hàng thiết yếu và thị trường thế giới cần. Dù nhu cầu thế giới hiện nay đang đi xuống nhưng điểm thuận lợi là các mặt hàng như gạo, một số loại nông sản khác thì lại có nhu cầu tương đối cao. Thuận lợi nữa là ta có một diện tích và dải sản phẩm tương đối dồi dào, từ cây lương thực, ăn quả đến thủy sản, nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành một trong những cường quốc về nông sản.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu cũng đang mang lại lợi ích lớn cho bà con nông dân. Ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, thành công của việc xuất khẩu sầu riêng cho thấy chính sách chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng đã mang lại hiệu quả, giúp cải thiện đời sống cho bà con khu vực miền núi, Tây Nguyên, nâng cao thu nhập và đóng góp chung vào thành tích chung của xuất khẩu rau quả và nông sản nói riêng. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 6 tháng đã tăng rất mạnh, gần bằng cả năm 2023, tăng trưởng đến 64%. Xuất khẩu nông sản miền núi đã đóng góp quan trọng cho xuất khẩu nông sản nói chung khi sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đã đạt 24,59 tỷ USD.
Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Dù đã có một số điểm sáng, tuy nhiên, đối với nông sản miền núi, khó khăn lớn nhất là tiếp cận được thành tựu về công nghệ. Bên cạnh đó, do có đặc trưng riêng về địa hình nên mỗi vùng miền núi lại có một điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau, phù hợp với 1 loại cây trồng khác nhau, việc phát triển diện tích gặp khó khăn. Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho khu vực này cũng gặp khó.
Bà Trần Thanh Bình chia sẻ, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho sản phẩm miền núi. Trong đó, Bộ Công Thương chia làm 4 giải pháp.
Thứ nhất là chủ động cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện lưu thông tốt nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Niệt Nam ở nước ngoài bám sát và cập nhật thông tin từ thị trường xuất khẩu, từ đó cập nhật thông tin kịp thời cho thị trường trong nước và các Hiệp hội, doanh nghiệp được biết về chính sách thay đổi, thị hiếu để các địa phương chủ động chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Nhóm nhiệm vụ thứ 2 là phát triển các giải pháp xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại các sản phẩm của đồng bào miền núi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu để tăng nhận diện các sản phẩm ở chợ truyền thống và siêu thị, đặc biệt là nông sản có tính mùa vụ cao như vải thiều, nhãn…
“Đối với thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại truyền thống và xúc tiến thương mại thông qua công nghệ số. Miền núi có đặc trưng vị trí không thuận lợi so với vùng Trung du Bắc bộ và các khu vực phát triển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nên áp dụng các nền tảng công nghệ số sẽ giúp bà con quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nước ngoài tốt hơn” – bà Bình cho hay.
Nhóm giải pháp thứ 3 là đào tạo tập huấn thông qua các hội nghị hội thảo đến các HTX. Đồng thời phối hợp các Sở Công Thương để trang bị cho các Hội Nông dân, Hợp tác xã về kiến thức hội nhập, nghiệp vụ ngoại thương, hợp đồng ngoại thương… Thông qua các buổi tập huấn, Bộ Công Thương cũng ban hành cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc. Trong đó có rất nhiều kiến thức cơ bản để phục vụ cho bà con.
Nhóm cuối cùng là công tác thông tin truyền thông về những FTA cho bà con nông dân và HTX để tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập.
Ngoài ra, bà Trần Thanh Bình cho rằng, khi nền kinh tế hội nhập thì việc có được các thương hiệu là rất quan trọng. Để chủ động xây dựng và định vị được thương hiệu thì phải bắt nguồn từ sự chủ động xây dựng thương hiệu từ doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
“Trên thực tế, đã có 1 số địa phương xây dựng được thương hiệu cho nông sản như vải thiều Lục Ngạn, Mỳ chũ Bắc Giang… nhưng số lượng thương hiệu còn khiêm tốn. Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng các chương trình truyền thông thương hiệu cho sản phảm Việt Nam như ngũ cốc, chè, rau quả, trái cây, hạt tiêu hạt điều, cà phê… để giúp các sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.