A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tin điều hành xăng dầu ngày 21/7/2023

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/7/2023-21/7/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh, mức dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại, kèm theo nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau đại dịch trong nửa cuối năm nay, dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất yệ, 25 điểm cơ bản lên mức 5,25%-5,5% vào tuần tới…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11/7 đến 21/7 có ngày giảm những nhìn chung là biến động tăng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/7/2023 và kỳ điều hành ngày 21/7/2023 là: 93,120 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 7,390 USD/thùng, tương đương tăng 8,62% so với kỳ trước); 98,920 USD/thùng xăng RON95 (tăng 7,235 USD/thùng, tương đương tăng 7,89% so với kỳ trước); 97,611 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,483 USD/thùng, tương đương tăng 5,95% so với kỳ trước); 99,540 USD/thùng dầu điêzen (tăng 5,550 USD/thùng, tương đương tăng 5,90% so với kỳ trước); 471,240 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 17,068 USD/tấn, tương đương tăng 3,76% so với kỳ trước).

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới

11/7/2023 – 20/7/2023

(Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành)

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

1. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

- Trích lập Quỹ BOG: Không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

- Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

2. Giá bán xăng dầu

Sau khi thực hiện việc không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 21.639 đồng/lít (tăng 1.220 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.153 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 22.792 đồng/lít (tăng 1.295 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.500 đồng/lít (tăng 884 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);

- Dầu hỏa: không cao hơn 19.189 đồng/lít (tăng 869 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.725 đồng/kg (tăng 437 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước 01/01/2023 đến 21/7/2023

3. Thời gian thực hiện

- Không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00’ ngày 21 tháng 7 năm 2023.

- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00’ ngày 21 tháng 7 năm 2023.

 - Kể từ 15 giờ 00’ ngày 21 tháng 7 năm 2023, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website