A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá cà phê trong nước tăng trở lại

Giá cà phê trong nước những ngày giữa tháng 8/2021 tăng theo giá thế giới.

Cụ thể, ngày 18/8/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 3,6-3,7% so với ngày 9/8/2021, lên mức 37.600 – 38.000 đồng/kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê tăng 2,9% so với ngày 9/8/2021, lên mức 39.200 đồng/kg.

Thị trường thế giới

Giữa tháng 8/2021, giá cà phê thế giới tăng trở lại. Thông tin thời tiết khô hạn ở miền Nam Bra-xin và khó khăn trong khâu vận chuyển khiến lượng tồn kho tại nhiều thị trường tiêu thụ chính giảm đã tác động làm tăng giá trên thị trường cà phê thế giới. Theo ước tính, Bra-xin đã thu hoạch hơn 89% sản lượng cà phê vụ mới, đạt 50,45 triệu bao, gồm 21,1 triệu bao cà phê Robusta và 29,22 triệu bao cà phê Arabica, chậm hơn so với mức trung bình 5 năm. Như vậy, vụ cà phê Robusta gần như đã hoàn thành, trong khi vụ cà phê Arabica còn khoảng 5,98 triệu bao vẫn đang thu hoạch. 

Theo số liệu thống kê của Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Bra-xin (Cecafe), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7/2021 - tháng đầu tiên của niên vụ 2021/2022 - giảm 12,8% so với tháng 7/2020, xuống 2,8 triệu bao. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu đạt 23,737 triệu bao, tăng 2,2% so với 7 tháng đầu năm 2020. + Trên sàn giao dịch London, ngày 18/8/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 11/2021 tăng lần lượt 5,5% và 5,2% so với ngày 9/8/2021, lên mức 1.839 USD/tấn và 1.845 USD/ tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2022 và tháng 3/2022 tăng lần lượt 4,9% và 4,7% so với ngày 9/8/2021, lên mức 1.841 USD/tấn và 1.839 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/8/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 11/2021 tăng lần lượt 1,7% và 1,6% so với ngày 9/8/2021, lên mức 178,95 Uscent/lb và 182 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2022 và tháng 5/2022 tăng 1,7% và 1,5% so với ngày 9/8/2021, lên mức 184,75 Uscent/lb và 185,7 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Bra-xin, ngày 18/8/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 12/2021 tăng lần lượt 0,5% và 1,7% so với ngày 9/8/2021, lên mức 211,8 Uscent/lb và 220,25 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2022 và tháng 5/2022, giá cà phê Arabica tăng lần lượt 1,4% và 1,7% so với ngày 9/8/2021, lên mức 224,65 Uscent/lb và 223,3 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.896 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 96 USD/tấn (tương đương mức tăng 5,3%) so với ngày 9/8/2021. Dự báo đà tăng của giá cà phê toàn cầu sẽ chậm lại. Nguồn cung cà phê Robusta được bổ sung, trong khi thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ chậm lại do biến chủng virus mới lây lan khiến nhiều quốc gia phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn. Bên cạnh đó, thời tiết của Bra-xin được dự báo sẽ thuận lợi từ đầu tháng 9 tới. Điều này sẽ kìm hãm đà tăng giá của mặt hàng cà phê. 

Theo Cơ quan Phát triển Cà phê U-gan-đa (UCDA), nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất châu Phi cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7/2021 đạt 700.035 bao, tăng 28,77% so với tháng 7/2020. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 41,27%, đạt 660.458 bao; xuất khẩu cà phê Arabica giảm 48%, xuống 39.577 bao. Lũy kế 10 tháng niên vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của U-gan-đa đạt 5,21 triệu bao, tăng 874.379 bao (tăng 20,17%) so với 10 tháng niên vụ 2019/2020.

Những ngày giữa tháng 8/2021, giá cà phê trong nước tăng theo giá thế giới. Ngày 18/8/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 3,6-3,7% so với ngày 9/8/2021, lên mức 37.600 – 38.000 đồng/kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê tăng 2,9% so với ngày 9/8/2021, lên mức 39.200 đồng/kg.

Xuất khẩu cà phê tháng 7/2021 tăng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 122,3 nghìn tấn, trị giá 235 triệu USD, giảm 4,5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với tháng 6/2021, so với tháng 7/2020 tăng 11,2% về lượng và tăng 20,3% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 965,88 nghìn tấn, trị giá 1,78 tỷ USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam. 

Xuất khẩu cà phê giảm 16,7% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021, giảm 9,9% về lượng và tương đương về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020, đạt 47,14 nghìn tấn, trị giá 92,89 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,01 triệu tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Dự báo xuất khẩu cà phê thời gian tới của Việt Nam sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trong nước. Trên thế giới, biến thể virus mới bùng phát cũng khiến sự phục hồi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng. Số liệu mới công bố cho thấy, dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ không như kỳ vọng.

Tháng 7/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.922 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 6/2021, nhưng tăng 7,5% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.846 USD/tấn, tăng 8,6% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng.

Tháng 7/2021 so với tháng 7/2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Tây Ban Nha, Phi-líp-pin, Trung Quốc. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường chủ lực giảm, nhưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của Pháp trong 6 tháng đầu năm 2021 và thị phần của Việt Nam

Mức tiêu thụ cà phê bình quân của Pháp gần với mức trung bình của châu Âu là 5,41 kg/năm. Người Pháp ưa chuộng cà phê cao cấp, rất nhiều người có thói quen đến quán từ 3-4 lần/tuần. Dịch Covid-19 thay đổi thói quen tiêu dùng cà phê của người Pháp. Tỷ lệ người tiêu dùng mang đồ uống từ các quán cà phê về tăng từ 22% lên 34%. Pháp được coi là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là phân khúc cà phê cao cấp. Dự tính, thị trường cà phê cao cấp có thể tăng từ 2% trong số 300.000 tấn bán ở Pháp mỗi năm lên 10% thị phần vào năm 2025. 

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Pháp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 206,7 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 16,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Về chủng loại 6 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng mạnh nhập khẩu chủng loại cà phê rang HS 090121 (không bao gồm cà phê đã khử caffein), mức tăng 37,3% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 90 nghìn tấn, trị giá 1,128 tỷ USD. Ngược lại, Pháp giảm nhập khẩu cà phê HS 090111 (trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein), mức giảm 6,7% về lượng và giảm 2,7% về trị giá, đạt 110,84 nghìn tấn, trị giá 296,84 triệu USD.

Diễn biến giá 6 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Pháp đạt mức 7.341 USD/tấn, tăng 7,4% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Pháp tăng từ nhiều thị trường chính, ngoại trừ Đức, Bra-xin, Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Pháp từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 12,93 nghìn tấn, trị giá 21,12 triệu USD, giảm 36,3% về lượng và giảm 39,0% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp giảm từ 10,6% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 6,25% trong 6 tháng đầu năm 2021. Nguyên nhân là do Pháp có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại, tăng nhập khẩu cà phê chế biến (HS 090121), giảm nhập khẩu dạng thô (HS 090111). 

Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê có mã HS 090111 sang Pháp, chiếm 99,69% tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021. Do đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê sang thị trường Pháp, ngành cà phê Việt Nam cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, tăng xuất khẩu cà phê chế biến phù hợp với phân khúc cao cấp trên thị trường.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website