A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động bởi dịch Covid-19, giá thịt lợn hơi tiếp tục xu hướng giảm

Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.

Hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. Giá gà thịt tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên nhu cầu giảm, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn.

Các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19 tại TP HCM khiến đầu ra của các trại nuôi lợn tại Đồng Nai gặp khó. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.

Mặc dù giá lợn sống giảm mạnh, giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả lợn châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước sau khi sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng trong 6 tháng đầu năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt gia súc và gia cầm đạt 3.226,3 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 231 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 60,9 nghìn tấn, giảm 3,1%; sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 11,6%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý III/2021 đạt khoảng 1.387,6 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 91 nghìn tấn, tăng 6,9%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 19,6 nghìn tấn, giảm 2%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 393 nghìn tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm 2021

Mặc dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả lợn, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn do vẫn còn thâm hụt cung - cầu.

Theo Rabobank, động lực nhập khẩu mạnh sẽ có thể tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, giá thịt lợn nhập khẩu có thể giảm do cạnh tranh thương mại toàn cầu đang tăng lên khi nhu cầu tại Trung Quốc yếu đi.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 379,64 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 750,7 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 53,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.977 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, với 65,92 nghìn tấn, trị giá 213,05 triệu USD, tăng 69,5% về lượng và tăng 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.314 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 6/2021, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 1,26 nghìn tấn, trị giá 5,16 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 9,48 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 35,35 triệu USD. Tháng 6/2021, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhiều nhất, chiếm 36,86% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 467 tấn, trị giá 996,66 nghìn USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với tháng 5/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 3,07 triệu USD. Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu trong tháng 6/2021 là các chủng loại như: Chân gà đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con, thịt lợn nguyên con đông lạnh, đùi ếch đông lạnh… Trong đó, chân gà đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 862 nghìn tấn, trị giá 1,67 triệu USD, giảm 1,5% về lượng, nhưng tăng 22,6% về trị giá so với tháng 5/2021; giá xuất khẩu bình quân chân gà đông lạnh đạt 1.938 USD/ tấn, tăng 24,4% so với tháng 5/2021. Chân gà đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Hồng Công, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhiều nhất, chiếm 53,25% tổng lượng chân gà đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 6/2021.

Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng giảm so với cuối tháng 7/2021. Ngày 09/8/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ kỳ hạn tháng 10/2021 giao dịch ở mức 87,6 UScent/lb, giảm 1,5% so với cuối tháng 7/2021, nhưng tăng 71,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (ASF) và đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới dễ lây lan hơn xuất hiện, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ trên thị trường thịt lợn thế giới.

Tại các quốc gia sản xuất, tác động của dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động vận tải, khiến nguồn cung địa phương tăng lên, trong khi nhu cầu từ dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm vì các lệnh hạn chế đã giúp giá thịt lợn hạ nhiệt so với thời gian trước.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, khủng hoảng dịch ASF tại Phi-líp-pin dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của quốc gia này, khiến đàn lợn trên cả nước giảm 10% trong năm 2021, trong khi nhập khẩu thịt lợn dự kiến đạt cao kỷ lục vì nguồn cung thiếu hụt. Từ mức 1,22 triệu tấn trong năm 2020, sản lượng thịt lợn của Phi-líp-pin có thể giảm còn 1,1 triệu tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, với chính sách hạ thuế nhập khẩu và nâng hạn mức nhập khẩu, USDA dự báo khối lượng nhập khẩu thịtlợn của Phi-líp-pin sẽ lên tới 468.474 tấn, tăng so với mức 184.082 tấn của năm 2020.

Tại Đức, Uỷ ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt Anh (AHDB) dự báo sản lượng thịt lợn của nước này sẽ giảm thêm vào cuối năm 2021, do số lượng lợn có sẵn trong nước phục vụ cho giết mổ ngày càng giảm.

Tại Trung Quốc, Trung Quốc đang đối mặt với với khủng hoảng thừa thịt lợn kể từ đầu năm 2021 đến nay do việc giết mổ ồ ạt và trọng lượng lợn xuất chuồng tăng từ 2-3 lần so với bình thường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, lên khoảng 27 triệu tấn. Đàn lợn của nước này ở thời điểm cuối tháng 6/2021 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 439 triệu con. Sản lượng giết mổ lợn tại Trung Quốc đạt 337,42 triệu con, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tăng mạnh đã gây áp lực lên giá thịt lợn tại Trung Quốc, gây ra thua lỗ lớn đối với nhiều người chăn nuôi. Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã can thiệp thị trường bằng cách mua vào lượng lớn thịt lợn để ngăn chặn giá giảm thêm nữa. NDRC cho biết sẽ nâng cao vai trò của dự trữ thịt lợn quốc gia trong việc bình ổn sản lượng và giá thịt lợn.

Theo đó, một lượng dự trữ bổ sung tạm thời sẽ được thiết lập nhằm giúp Chính phủ Trung Quốc chủ động hơn trong việc điều tiết giá thịt lợn, bằng cách mua vào khi giá thịt xuống quá thấp và bán ra khi nguồn cung thịt bị thắt chặt. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu 5,08 triệu tấn thịt, trị giá 16,54 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na và Đan Mạch.

Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 2,3 triệu tấn thịt lợn, trị giá 6,58 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Bra-xin, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Ca-na-da... Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021, chiếm 32,2% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc; Đứng thứ 2 là Bra-xin chiếm 12,9% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021.

Qua số liệu cho thấy, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thịt của Trung Quốc đang chậm lại. Báo cáo phân tích thị trường của Ngân hàng Rabobank, USDA và cả nhận định triển vọng thị trường thịt lợn của AHDB, cùng với việc Trung Quốc đặt mục tiêu tự cung tự cấp 95% thịt lợn cho thấy, khả năng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong năm 2021. Dự kiến trong các tháng cuối năm 2021, Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do giá thịt lợn ở nước này đang thấp hơn so với giá thịt lợn nhập khẩu.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website